Chủ động phòng, tránh bệnh viêm não vi rút
Điện Biên TV - Mùa hè là thời gian dịch viêm não vi rút có thể bùng phát và diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 13 trường hợp mắc bệnh viêm não do vi rút, giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2014, chưa có trường hợp tử vong song do đây là bệnh nguy hiểm, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nên người dân cần chủ động phòng, tránh.
Bác sỹ Lê Trọng Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Bệnh viêm não do nhiều loại vi rút gây ra, như các vi rút đường ruột, vi rút thủy đậu, quai bị... nhưng chủ yếu là do vi rút Arbovirus. Năm 2014, toàn tỉnh ghi nhận 99 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút; trong đó, 3 ca tử vong (tăng 44 ca mắc và 1 ca tử vong so với năm 2013). Lứa tuổi mắc thường là trẻ dưới 15. Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm não vi rút, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chủ động, đẩy mạnh công tác phòng, tránh dịch bệnh; tăng cường giám sát tất cả các trường hợp nghi bị viêm não vi rút.
Nhân viên y tế khám bệnh cho bệnh nhi có triệu chứng lên quan đến viêm não vi rút tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên |
Bên cạnh đó, Trung tâm gửi công văn tới các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị, thành phố khi phát hiện bệnh và nhận thấy dấu hiệu bệnh bùng phát, nhanh chóng báo về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để kịp thời xử lý. Đồng thời, tích cực tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo bác sỹ Cảnh, bệnh viêm não vi rút hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu; dù có thuốc kháng vi rút nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại chứ không phải tất cả các vi rút. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân mắc bệnh này sẽ dễ bị viêm màng não, để lại di chứng, thiểu năng trí tuệ, liệt thần kinh sọ não... nguy cơ tử vong cao. Triệu chứng của bệnh viêm não vi rút thường là sốt cao, nhức đầu dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, co giật, rối loạn nghe và nói, ảo giác, mất trí nhớ, hôn mê. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu như: Nôn mửa, thóp phồng (nếu còn thóp), gồng cứng người khóc dỗ không nín, khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế. Viêm não cấp tính thường diễn biến từ 1 - 3 tuần, nếu hồi phục cũng rất chậm, phải từ vài tuần đến vài tháng người bệnh mới hồi phục được chức năng tối đa.
Mặc dù bệnh viêm não không thể phòng, tránh trực tiếp nhưng người dân có thể phòng ngừa các bệnh dẫn đến viêm não như: Các bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ em (sởi, quai bị, thủy đậu...), chống muỗi đốt và diệt muỗi. Chống muỗi đốt bằng cách mặc quần dài, áo dài tay, đi tất che chân; tránh cho trẻ em chơi ngoài trời vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, vì đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh... Bên cạnh đó, người dân nên diệt muỗi bằng các chất phun diệt muỗi; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà để loại bỏ nơi muỗi đậu và đẻ trứng; đậy kỹ các vật dụng chứa nước, không cho muỗi vào đẻ trứng; loại bỏ các dụng cụ có khả năng đọng nước. Bác sỹ Lê Trọng Cảnh cũng khuyến cáo, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị nếu có những triệu chứng mắc bệnh viêm não vi rút. Đặc biệt là nâng cao ý thức trong việc chủ động phòng, tránh loại bệnh này./.
Văn Quyết