Chủ động phòng, tránh bệnh thủy đậu
Điện Biên TV - Những tháng đầu năm 2015, bệnh thủy đậu đang có dấu hiệu bùng phát. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ dịch thủy đậu tại Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé với 671 trường hợp mắc, tăng 172 trường hợp so với năm trước. Năm 2015, tính đến hết tháng 1, toàn tỉnh đã có 58 ca mắc ở 7/10 huyện, thị, thành phố, trong đó nhiều nhất là Điện Biên Đông với 31 ca và Nậm Pồ 14 ca.
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chủ động phòng, tránh bệnh thủy đậu. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng gửi công văn tới các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị, thành phố phối hợp kiểm tra công tác vệ sinh tại các cơ quan, đơn vị, trường học. Khi phát hiện bệnh và nhận thấy dấu hiệu bệnh bùng phát thành dịch, nhanh chóng báo về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để xử lý kịp thời.
Cán bộ Trạm Y tế phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ hướng dẫn người dân cách phòng, tránh bệnh thủy đậu. |
Trao đổi với bác sỹ Lê Trọng Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được biết: Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút Varicella – Zoster gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Khi người bị thủy đậu hắt hơi, nói, ho, vi rút sẽ theo nước bọt bay ra ngoài, người khác hít phải sẽ lây bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn phồng rộp của người bệnh. Thông thường, thời gian ủ bệnh thủy đậu từ 2 - 3 tuần tính từ lúc nhiễm vi rút đến lúc phát bệnh. Ban đầu, người mắc bệnh có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước mũi, nhức đầu, đau họng, ngứa; trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Khoảng 1 - 2 ngày, người bệnh sẽ xuất hiện các mụn bóng nước. Tiếp đó 2 - 3 ngày sau, các mụn sẽ đóng vẩy, rụng dần và mọc làm nhiều đợt. Nếu không có biến chứng, bệnh có thể khỏi sau 8 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu có biến chứng thì rất nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Theo bác sỹ Cảnh, có nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh này đã bị xuất huyết ở các mụn thủy đậu và trở thành thể thủy đậu xuất huyết nghiêm trọng. Không những thế, một số trẻ khác còn bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác, các vi khuẩn này vào các mụn thủy đậu, làm sưng to gây ngứa, để lại những vết sẹo lớn.
Thủy đậu là bệnh nguy hiểm, nếu chủ quan, không điều trị sẽ gây nhiều biến chứng. Nhẹ có thể nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước; nặng có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm não dẫn đến tử vong; phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu rất nguy hiểm, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Bệnh thủy đậu lây truyền nhanh, có thể lây bệnh cho người khác chỉ trong 5 ngày trước và sau phát ban. Chính vì vậy, để phòng, tránh bệnh thủy đậu, bác sỹ Lê Trọng Cảnh khuyên người dân nên tiêm vắc xin. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, những trường hợp khi có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu, không tự ý dùng thuốc, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị. Nếu đã bị bệnh, cần để người bệnh nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng, thời gian cách ly khoảng 7 - 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh đến khi các nốt phỏng nước khô vẩy hoàn toàn; nên sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối; thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm, mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng. Với người nhà bệnh nhân, nên hạn chế tiếp xúc với người bị thủy đậu; khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang và phải rửa tay ngay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu./.
Văn Quyết