Hiệu quả "sổ hồng" ở huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên
Điện Biên TV - Dự án sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai tại tỉnh Điện Biên từ năm 2012. Đây là dự án được Bộ y tế phối hợp với tổ chức JICA của Nhật Bản triển khai thí điểm tại 4 tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang. Với mục tiêu nâng cao kiến thức cho bà mẹ từ khi mang thai đến khi con được 6 tuổi, dự án hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, giảm thiểu những nguy hiểm ở bà mẹ mang thai, giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi…Tại huyện Tủa Chùa, một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, sổ hồng đã đến và mang lại lợi ích cho hàng nghìn chị em phụ nữ mang thai và bà mẹ nuôi con nhỏ tại các thôn bản vùng sâu vùng xa.
Là huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, huyện Tủa Chùa có 12 xã, thị trấn 138 thôn, bản với dân số tính đến thời điểm cuối năm 2014 là trên 52 nghìn người. Trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với 71%, dân tộc Thái chiếm 16% còn lại là các dân tộc thiểu số khác như Khơ Mú, Hoa, Phù Lá. Là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn, dân cư phân bố rải rác, giao thông cách trở, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều nơi còn tồn tại phong tục, tập quán lạc hậu nên công chăm sóc bà mẹ, trẻ em chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai 3 lần/ 3 kỳ, tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai, tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ còn ở mức thấp, tỷ lệ trẻ tử vong trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn cao…Chính vì vậy, khi được triển khai thí điểm dự án Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em, trung tâm y tế huyện Tủa Chùa đã xác định đây là một cơ hội tốt góp phần cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn. Công tác tập huấn, truyền thông và thực hiện cấp phát sổ đã được trung tâm y tế huyện triển khai tại 100% các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực. Riêng trong năm 2014, trung tâm y tế huyện đã cấp gần 1.600 sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em. Từ đó, nâng tổng số sổ đã cấp từ đầu dự án đến nay trên địa bàn huyện Tủa Chùa lên gần 6.400 sổ. Trong đó, phụ nữ có thai được cấp sổ là gần 3.800, trẻ em dưới 1 tuổi được phát sổ là trên 1.650, trẻ em dưới 5 tuổi là trên 2.500 sổ. Song song với công tác cấp sổ, hướng dẫn sử dụng sổ các trạm y tế trên địa bàn huyện còn tổ chức thành lập các câu lạc bộ bà mẹ có sổ tiêu biểu như xã Mường Báng, Sính Phình và Mường Đun. Qua đó, nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết của chị em phụ nữ mang thai để sử dụng sổ hiệu quả mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho bản thân và trẻ nhỏ. Bác sĩ Lò Văn Viễn – phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của dự án JICA của Nhật Bản Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đã triển khai phát sổ theo dõi sức khỏe cho bà mẹ trẻ em dưới một tuổi và phụ nữ mang thai trên địa bàn và đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, từ đó giúp cho người mẹ có kĩ năng nuôi con nhỏ có nhận thực đúng đắn đưa con đến trung tâm khám chữa bệnh theo định kỳ….
Song song với công tác cấp sổ, các trạm Y tế xã đã chỉ đạo cán bộ trạm, nữ hộ sinh phối hợp với Y tá thôn bản thực hiện tuyên truyền hướng dẫn sử dụng sổ đến đông đảo chị em phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ. |
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em thường được mọi người gọi là sổ hồng là một cuốn sổ tổng hợp theo dõi, tư vấn, chăm sóc liên tục bà mẹ và trẻ em từ lúc mang thai cho đến khi được 6 tuổi. Cuốn sổ có những nội dung quan trọng, cần thiết đối với tất cả các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ được chia ra làm 4 phần chính: Những thông tin cơ bản: chăm sóc thai nghén; chăm sóc trong đẻ, sau đẻ, sơ sinh và phần cuối là theo dõi, chăm sóc trẻ đến 6 tuổi. Trong cuốn sổ ngoài phần dành cho cán bộ y tế theo dõi các chỉ số của bà mẹ và trẻ nhỏ còn có phần dành cho gia đình ghi chép quá trình chăm sóc trẻ cũng như những thắc mắc về chế độ dinh dưỡng cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ. Qua thực tế đưa vào sử dụng sổ hồng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bà mẹ mang thai. Từ khi phát hiện mang thai, được cấp sổ chị em sẽ được cập nhật các kiến thức về dinh dưỡng, thời điểm tiêm phòng uốn ván, uống bổ sung viên sắt cũng như nắm được các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm khi mang thai để kịp thời đến cơ sở y tế và có các biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, các chị em cũng biết được tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ và đến đẻ tại cơ sở y tế. Có thể nói cuốn sổ theo dõi sức khỏe, bà mẹ trẻ em đã giúp các chị em phụ nữ nhiều kiến thức bổ ích từ đó chăm sóc sức khỏe của mẹ và con tốt hơn so với khi chưa có sổ. Xã Mường báng là một xã thực hiện tốt dự án sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em. Số sổ được phát ra và tỷ lệ chị em phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ sử dụng sổ luôn ở mức cao. Ông Quàng Văn Luyến – Trạm trưởng trạm Y tế xã Mường Báng cho biết: Xã Mường Báng là một xã đông dân cư của huyện Tủa Chùa với gần 1 vạn dân. Tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 – 49 trên địa bàn xã là trên 2.200, trong đó số phụ nữ có chồng là gần 1.700, đây là đối tượng hướng đến của chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản. Thực hiện dự án, đến hết năm 2014, Trạm Y tế xã đã cấp gần 1000 sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em cho phụ nữ mang thai và phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi. Song song với công tác cấp sổ, trạm đã chỉ đạo cán bộ trạm, nữ hộ sinh phối hợp với Y tá thôn bản thực hiện tuyên truyền hướng dẫn sử dụng sổ đến đông đảo chị em phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Qua việc sử dụng sổ đã góp phần giúp cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn xã.
Từ khi phát hiện mang thai, được cấp sổ chị em sẽ được cập nhật các kiến thức về dinh dưỡng, thời điểm tiêm phòng uốn ván, uống bổ sung viên sắt cũng như nắm được các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm khi mang thai |
Trong thực tế, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em là căn cứ để cán bộ y tế tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý phụ nữ mang thai trên địa bàn. Đồng thời, các dữ kiện trong sổ sẽ là căn cứ để cán bộ y tế tuyến cơ sở theo dõi toàn diện sức khỏe của bà mẹ và trẻ nhỏ. Đối với bà mẹ mang thai đó quá trình thai nghén, đó là việc phát hiện các dấu hiệu bất thường để kịp thời can thiệp giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai biến sản khoa. Đối với trẻ nhỏ là các thông tin về tiêm phòng, các chỉ số về chiều cao cân nặng, các bước phát triển về thể chất, tâm sinh lý. Từ đó, cán bộ y tế có thể đưa ra những tư vấn kịp thời, chính xác giúp bà mẹ cải thiện tình hình sức khỏe của bản thân hoặc điều chỉnh chế độ chăm sóc con nhỏ v.v. Chị Mào Thị Thu ở đội 7 xã Mường Báng cho hay: Được cấp sổ ngay khi biết mình có thai. Đến nay cháu đã được 9 tháng tuổi và những thông tin trong sổ hồng đã giúp gia đình rất nhiều trong việc tự theo dõi, chăm sóc bản thân và nuôi con nhỏ.
Trong quá trình triển khai dự án sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em cũng không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế. Đặc biệt đối với một huyện vùng cao như Tủa Chùa những khó khăn trong thực tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của dự án. Năng lực của cán bộ tuyến y tế cơ sở còn hạn chế; đa số y tế thôn bản lại là nam giới ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuyên môn. Nhiều chị em phụ nữ dân tộc không biết đọc, biết viết, không biết tiếng phổ thông nên việc sử dụng sổ gặp nhiều khó khăn. Nhiều chị em chưa thực sự thấy được lợi ích thiết thực của cuốn sổ khi đi khám thai hoặc đi tiêm chủng, khám bệnh cho trẻ vẫn còn quên sổ.v.v.Tuy nhiên, có thể khẳng định dự án sổ hồng đã mang lại lợi ích thiết thực cho hàng nghìn chị em phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Dự án sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em cùng với các dự án khác như dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, dự án phát triển vùng Tủa Chùa đã góp phần cải thiện đáng kể các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bà mẹ trẻ em trên đại bàn huyện. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai 3 lần/3 kỳ đạt gần 74%, tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đạt gần 75%, tỷ số tử vong mẹ bằng 0; Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng giảm xuống còn 21%, suy dinh dưỡng chiều cao giảm xuống còn 30,7%...Và thời điểm cuối năm 2014, dự án thí điểm sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Tủa Chùa nói riêng và trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung đã chính thức kết thúc. Tuy nhiên, số sổ phát ra vẫn sẽ được sử dụng cho đến khi trẻ nhỏ tròn 6 tuổi. Hi vọng qua tổng kết đánh giá hiệu quả dự án thí điểm mang lại, trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục được duy trì và mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho các chị em phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tủa Chùa.
Mong muốn tiếp tục được cấp phát sổ theo dõi sức khẻo bà mẹ trẻ em là nguyện vọng của đông đảo chị em phụ nữ dân tộc trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Bởi dù còn khó khăn trong việc tiếp cận nội dung ban đầu nhưng qua hướng dẫn của cán bộ y tế, đặc biệt là kinh nghiệm sử dụng sổ của các chị em phụ nữ khác việc sử dụng sổ sẽ dễ dàng và phát huy hiệu quả tối đa. Nhiều bà mẹ đã coi cuốn sổ hồng như một cuốn cẩm nang tổng hợp mọi thông tin cần thiết để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho cả mẹ và con.
Chu Linh – Huy Long