Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều khiến người dân hoang mang
Hai năm gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh, thành ĐBSCL và còn nguy hiểm hơn khi len loi vào các khu dân cư, trường học
Trong 2 năm qua, ở vùng ĐBSCL, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều và liên tục cắn người. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi ĐBSCL bước vào mùa mưa lũ thì loài rắn này không chỉ xuất hiện ở ngoài đồng ruộng, bụi rậm mà còn len lỏi vào tận các khu dân cư, trường học.
Rắn lục đuôi đỏ len lỏi vào các khu dân cư, khi gặp người không bỏ chạy mà thường phùng mang tấn công (Ảnh: Tấn Phong) |
Anh Thái Phạm Trọng Nghĩa ở khu vực 6 phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều Thành phố Cần Thơ cho biết, trong xóm anh đã có khoảng 6 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Cách đây vài ngày, khi cùng mấy người em ra sau nhà chơi thì anh phát hiện một con rắn lục đuôi đỏ đang nằm cuộn tròn trong vườn. Thấy người, con rắn lục đuôi đỏ không bỏ chạy mà còn phùng mang tấn công.
Anh Thái Phạm Trọng Nghĩa cho biết: “Nó mổ nhưng tôi né được, mấy anh em tôi mới xúm lại, lấy bao chụp nó, nắm được cái đầu rồi tôi mới lấy lưỡi câu móc xiềng miệng lại. Anh tôi ở trên An Giang cũng đi làm ruộng cũng bắt được mười mấy con rồi giết hết vì nghe nói rắn này quá độc”.
Hai năm gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh, thành ĐBSCL. Loài rắn này rất hung dữ, khi thấy người không hề sợ hãi bỏ chạy mà thường phùng mang tấn công. Chính vì vậy mà đã có rất nhiều người dân trong vùng khi vừa kịp phát hiện ra chúng thì đã bị tấn công gây thương tích.
Điều đáng lo ngại là hiện nay loài rắn này không chỉ xuất hiện ngoài đồng ruộng, bụi rậm mà còn len lỏi vào các trường học, khu dân cư có đông người dân sinh sống, nhất là trong những tháng gần đây khi mưa, lũ nhiều, nước ở các kênh rạch và đồng ruộng dâng cao.
Ông Thạch Muôn ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện nằm điều trị cho biết: “Đầu tiên tôi tưởng là kiến nhưng càng ngày càng nhức nên bắt đầu tìm lại, tìm ra mới thấy chỗ rau càng cua lúc mình nhổ, con rắn nó nằm trong đó mà mình không biết. Tôi phải gọi xe ôm đi bệnh viện ngay, đi tới đây thì nó bắt đầu nhức, 2 ngón tay không cử động được nữa. Đợi các bác sĩ tiêm thuốc, lấy máu, khoảng 2 tiếng đồng hồ nó giảm nhưng còn nhức, còn sưng, rồi 2 hôm sau nó mới xẹp dần dần”.
Người dân bị rắn cắn nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (Ảnh: Tấn Phong) |
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, các tỉnh, thành ở ĐBSCL có từ vài chục đến vài trăm trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Tại tỉnh Hậu Giang đã có hơn 90 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, tập trung ở các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ. Tại Thành phố Cần Thơ, chỉ tính riêng Bệnh viện quân y 121 thì từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 350 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, tăng hơn 2 lần so với cả năm ngoái, phần lớn trường hợp nhập viện trong 2 tháng gần đây.
Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên - Trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện quân y 121 cho biết: “Đa số những bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào bệnh viện chúng tôi với tình trạng đau nhức, sưng nề nhiều và có khi chảy máu ở vết cắn. Nếu bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn mà vào bệnh viện muộn thì có mấy ảnh hưởng rất nguy hiểm. Thứ nhất là sẽ gây rối loạn đông cầm máu, thứ hai là triệu chứng sưng nề nhiều, thứ ba là có thể gây hoại tử ở vết cắn, mà rối loạn đông cầm máu là triệu chứng quan trọng, nếu vào muộn, chúng tôi không điều trị huyết thanh kịp thời thì có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân”.
Theo ngành chức năng ở các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL thì nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều là do hiện nay các địa phương trong vùng đang xây dựng nông thôn mới, cải tạo vườn tạp dẫn đến làm hạn chế môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có rắn lục đuôi đỏ. Và khi mưa lũ nhiều, triều cường dâng cao, các cánh đồng đều bị ngập thì môi trường sống của các loài động vật này càng bị bó hẹp hơn. Chính vì vậy, chúng di trú vào những mảnh vườn, trường học, khu dân cư để sinh sống và tấn công người ngày càng nhiều.
Thường rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân, tay người khi quơ tay hay đạp trúng rắn. Vì vậy, để phòng tránh rắn cắn, người dân không nên ngủ dưới nền đất, phải cận trọng khi làm vườn hay đi vào khu vực bụi rậm và cần phải có dụng cụ bảo hộ lao động. Khi bị rắn cắn, người dân không nên can thiệp vào vết thương hoặc chữa trị theo phương pháp dân gian mà phải nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu.
Theo VOV