Phòng chống bệnh tay chân miệng ở huyện Điện Biên
Điện Biên TV - Thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng (TCM) có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Điện Biên. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 38 trường hợp trẻ mắc bệnh TCM, tăng 30 ca so với cùng kỳ năm 2013. Riêng trong tháng 5, có 12 trẻ phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, chưa có trường hợp tử vong.
Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Vũ Tuấn Mạnh, Đội trưởng Đội y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, cho biết: TCM là bệnh lây lan do một nhóm vi rút đường ruột, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi và một số trẻ trên 5 tuổi. Nguyên nhân có nhiều ca mắc các bệnh TCM nhiều nhất tỉnh là do địa bàn rộng, dân số đông, ý thức của người dân chưa cao trong việc bảo vệ môi trường... Đặc biệt những gia đình có trẻ nhỏ, họ chưa tìm hiểu, ít quan tâm các kiến thức về chăm sóc. Đối với TCM, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể trở nặng và gây tử vong ở trẻ em trong vòng 24 giờ sau khi mắc bệnh kèm với các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hệ hô hấp làm trẻ bị suy tim, viêm phổi, giật thần kinh…
Y, bác sỹ TTYT huyện Điện Biên khám bệnh cho đối tượng nghi mắc bệnh tay chân miệng. |
Trước tình hình bệnh TCM có dấu hiệu diễn biến phức tạp, tăng nhanh trên địa bàn (Phu Luông và Mường Lói là hai xã có số ca trẻ mắc bệnh TCM lớn nhất so với toàn huyện), theo bác sỹ Mạnh, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo các xã, lập kế hoạch, triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, diệt khuẩn bằng dung dịch Cloramin B nơi có dấu hiệu dịch xuất hiện, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngăn chặn bệnh phát sinh lây lan; giám sát, kiểm soát chặt chẽ và xử lý triệt để những ổ dịch bệnh cũ có nguy cơ tái bùng phát, nhất là những khu vực có đông trẻ em; các trạm y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc men, phương tiện, trang thiết bị cần thiết để cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân...
Tuy nhiên, để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất, tránh những trường hợp rủi do các loại dịch bệnh gây nên, đặc biệt là bệnh TCM, bác sỹ Vũ Tuấn Mạnh khuyến cáo các bậc phụ huynh: Khi trẻ mắc các triệu chứng loét miệng, bóng nước vùng mông, gối, lòng bàn tay và lòng bàn chân hoặc bóng nước xen kẽ với những hồng ban, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và điều trị. Nếu đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, được chỉ định chăm sóc tại nhà, phụ huynh cần thực hiện đầy đủ những điều sau: vệ sinh răng miệng và thân thể, tránh làm nhiễm trùng các bóng nước; giảm đau, hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt paracetamol; nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả; không cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng... Về cách phòng bệnh, do chưa có vắc xin phòng bệnh nên phụ huynh phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu cho trẻ. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B; cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh ít nhất là 7 ngày. Đối với trạm y tế các xã, cần tập trung công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng phòng tránh bệnh TCM, nhất là trang bị những kiến thức cơ bản nhằm giúp các bà mẹ nhận biết dấu hiệu ban đầu của bệnh này để kịp thời đưa con em đến cơ sở y tế điều trị; hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ chu đáo về chế độ ăn uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, vệ sinh sạch sẽ, cho trẻ ở nơi thoáng mát trong điều kiện thời tiết đang chuyển mùa.
Văn Quyết