3 triệu học sinh Việt Nam bị mắc các tật khúc xạ
Tổ chức HKI triển khai chương trình thí điểm nâng cao nhận thức về tật khúc xạ cho học sinh Hà Nội
Trong những năm qua, tổ chức HKI Việt Nam (Helen Keller International (HKI) đã triển khai chương trình “chăm sóc mắt trẻ em”, khám và cấp kính miễn phí cho hàng chục nghìn học sinh trong cả nước.
Cận thị học đường ngày càng tăng |
Từ ngày 10/3 đến 5/4/ 2014, tổ chức HKI Việt Nam phối hợp với ngành y tế và giáo dục Hà Nội triển khai chương trình truyền thông thí điểm nhằm nâng cao nhận thức tật khúc xạ tại các trường tiểu học và THCS huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Các hoạt động truyền thông được triển khai thông qua các khóa tập huấn giáo viên, các buổi lễ chào cờ, sinh hoạt đội, các buổi ngoại khóa, các trò chơi như thi vẽ, thi tìm hiểu,...nhằm cung cấp, trang bị các kiến thức hiểu biết cơ bản về phòng tránh tật khúc xạ học đường cho các giáo viên và các em học sinh.
Trong những năm qua, tổ chức HKI Việt Nam đã triển khai chương trình “chăm sóc mắt trẻ em” tại các tỉnh Kon Tum, Nam Định, Sơn La, Hà Nội... khám và cấp kính miễn phí cho hàng chục nghìn học sinh; thực hiện các khóa tập huấn, đào tạo chăm sóc mắt cho giáo viên và nhân viên y tế; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tật khúc xạ...
Hiện nay tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị...) là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm giảm thị lực. Tuy nhiên nhận thức của cộng đồng về tật khúc xạ còn nhiều hạn chế.
Qua kết quả nghiên cứu "Thái độ của phụ huynh học sinh, học sinh và giáo viên về việc sử dụng kính tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh" được thực hiện tại 16 trường học ở Hà Nội và Hồ Chí Minh năm 2011, có tới 80% tỷ lệ học sinh tiểu học và THCS cảm thấy không thích nếu phải đeo kính; 30% học sinh không thông báo những dấu hiệu tật khúc xạ như: nhức đầu/nhức mắt/mỏi mắt/mờ mắt sau các hoạt động học tập, chơi game, đọc truyện; Cứ 5 phụ huynh học sinh được thông báo, có 1 phụ huynh không làm gì cả.... Theo một kết quả khảo sát khác của HKI Việt Nam năm 2011, có tới 50% số lượng kính đã cắt không đạt tiêu chuẩn, (như sai khoảng cách đồng tử 36%; lệch tâm 64 %; sai công suất so với đơn kính 12%; số kính quá rộng so với khuôn mặt 2%...). Đây là vấn đề lớn được đặt ra bởi những hệ lụy đối với thế hệ trẻ và thậm chí gây những hậu quả không thể khắc phục.
Tại Việt Nam, hiện có tới 3 triệu học sinh (độ tuổi 6-15) bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 2/3 là bị cận thị. Tỷ lệ tật khúc xạ ngày càng tăng nhanh, việc đeo kính để điều chỉnh tật khúc xạ là cần thiết, tuy nhiên trên thực tế yêu cầu này bị xem nhẹ khiến tật khúc xạ học đường đang diễn biến chiều hướng phức tạp, nhiều đôi mắt của các em học sinh có nguy cơ từ “tật” thành “bệnh”.
Các bác sỹ nhãn khoa khuyến cáo: cần chú ý đến các em có dấu hiệu bị tật khúc xạ trong học tập và sinh hoạt hàng ngày (nheo mắt, nghiêng đầu trong lớp, nhìn chữ và vật bị nhòe, mỏi mắt chóng mặt đau đầu, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ....), đưa các em khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt; khi mắc các tật khúc xạ cần đeo kính đúng số và có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường các hoạt động ngoài trời, ngồi học đúng tư thế và đủ ánh sáng, bổ sung các vitamin A,C,E hàng ngày, khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.... Nếu không được điểu trị kịp thời, tật khúc xạ có thể dẫn đến các biến chứng lác, nhược thị, bong võng mạc, dẫn tới giảm thị lực và mù lòa./.
Theo VOV