Vì sao tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi ở Tủa Chùa cao?

Chủ Nhật, 05/01/2014, 18:51 [GMT+7]

Điện Biên TV - Con số thống kê mới đây nhất của Sở Y tế Điện Biên cho thấy: Năm 2013, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi ở tỉnh Điện Biên tăng cao, chiếm 59%0, nghĩa là tăng 16%0 so với năm 2012. Trong khi đó, tỷ lệ chung toàn quốc năm 2013 chỉ ở mức 36%0. Các địa phương có tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi cao lại rơi vào các huyện vùng cao như: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà và Tủa Chùa. Đây là một vấn đề thực sự nóng được các đại biểu quan tâm trong kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIII vừa diễn ra cách đây không lâu. Như vậy, nguyên nhân do đâu?

f
Năm 2013, xã Sính Phình có tới 73%0 trẻ dưới 5 tuổi bị tử vong

Trạm Y tế xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa có 6 cán bộ, y, bác sỹ. Theo như y sỹ Thào A Mang - Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hiện Trạm chỉ thiếu các phòng chức năng, thiếu mặt bằng và 1 dược tá nữa thì Trạm y tế xã Sính Phình đảm bảo đủ bộ tiêu chí Trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế theo quy định mới đây của Bộ y tế. Thế nhưng, trong năm 2013, hầu hết các chỉ tiêu trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ của năm ngoái. Đáng chú ý là 2 chỉ tiêu: Thứ nhất là tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi chỉ đạt 76%; riêng mũi 1 và mũi 2 chỉ đạt 41% và mũi 3 chỉ đạt 53% kế hoạch. Thứ 2 là tỷ lệ tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai ở đây chỉ đạt 60%, giảm tới 27% so với năm ngoái. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai 3 lần cũng chỉ đạt 31%. Trong khi đó, năm 2013, theo con số thống kê, xã Sính Phình có tới 73%0 trẻ dưới 5 tuổi bị tử vong. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ cao hàng đầu ở Tủa Chùa.
Y sỹ Thào A Mang - Trạm trưởng Trạm y tế xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa cho biết: "Nếu cán bộ y tế của Trạm Y tế xã Sính Phình không đến các thôn, bản để khám thai tại nhà thì người dân đa số cũng không đến trạm khám. Họ mà không đau và không làm sao thì sẽ sinh luôn tại nhà thôi."

Tủa Chùa là huyện vùng cao, thuộc 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 70%. Đây còn là địa phương có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, không tập trung, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều. Ở nhiều xã trong huyện vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Song song với đó là nhận thức của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế, nhất là công tác quản lý thai nghén và việc khám thai không thường xuyên. Những yếu tố trên đã phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe đối với bà mẹ và trẻ em.

Theo con số thống kê của Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa, trong 11 tháng của năm 2013, toàn huyện có 103 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 70%0, tăng gần 2%0 so với cùng kỳ năm ngoái. Những trường hợp tử vong hầu hết đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Trong đó, Tủa Thàng là xã có nhiều trẻ em tử vong nhất. Chỉ có xã Lao Xả Phình là địa phương duy nhất không có trường hợp trẻ em tử vong. Điều đáng quan tâm ở đây là trong số hơn 100 trẻ em dưới 5 tuổi ở Tủa Chùa tử vong thì có tới 89% là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là các dân tộc khác. Theo như chẩn đoán của thầy thuốc thì phần lớn trẻ tử vong do viêm phổi và xuất huyết não.

Một vấn đề nữa đáng chú ý ở đây là do nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên ở nhiều địa phương trong huyện vẫn còn tồn tại tục cúng ma mỗi khi có người ốm, với hy vọng sẽ nhanh được khỏi bệnh. Khi bệnh đã quá nặng thì mới đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để cứu chữa. Bởi vậy mà trong số hơn 100 trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi ở Tủa Chùa tử vong trong năm 2013 thì có tới 70% số trường hợp tử vong tại nhà và 27% số trẻ tử vong tại Trung tâm Y tế huyện.

Cùng thời gian phóng viên chúng tôi làm việc tại Tủa Chùa về vấn đề này thì ngay trong ngày 19/12 cũng có trường hợp bệnh nhi tử vong khi chưa kịp nhập viện. Bác sỹ chuyên khoa Vừ A Sử - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa cho biết: "Đa số các bệnh nhân vào viện thường trong tình trạng bệnh nặng, đặc biệt là trẻ em dưới 1 tuổi. Bệnh nhân nhập viên chủ yếu liên quan đến đường hô hấp, ví dụ như viêm phổi ở các mức độ, đặc biệt là trẻ em người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Khoảng 14 giờ ngày 19/12 vừa qua, có một bệnh nhân dưới 1 tuổi ở xã Trung Thu nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, hôn mê, hầu như bệnh nhân đã ngừng thở. Sau đấy Trung tâm Y tế huyện đã cấp cứu trong tình trạng bệnh nhân nguy kịch nặng, nhưng qua 2 tiếng cấp cứu thì bệnh nhân đã tử vong. Đây là trường hợp về phía thầy thuốc chúng tôi rất tiếc, bởi vì gia đình đưa đến rất là muộn, nếu mà nhận thức của người nhà bệnh nhân đưa đến sớm hơn thì về trình độ và trang thiết bị của trung tâm có thể cấp cứu được cháu."

cs
Công tác quản lý trẻ em dưới 5 tuổi ở các cơ sở y tế vẫn chưa được chặt chẽ, vẫn còn bỏ sót các đối tượng trong việc tiêm chủng

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIII diễn ra trong tháng 12 vừa qua, trả lời câu hỏi vì sao mà tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi ở Điện Biên tăng cao? Ông Triệu Đình Thành - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Nguyên nhân khách quan được xác định chủ yếu là do nhận thức của đồng bào còn hạn chế; việc phối hợp với cán bộ y tế trong chăm sóc trẻ em chưa tích cực, mặc dù ngành Y tế đã đưa các dịch vụ y tế đến cơ sở, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Bà mẹ mang thai đi làm nương hết kỳ sinh nở mới quay về bản, trẻ em theo cha mẹ đi làm nương xa không được chăm sóc mỗi khi ốm đau, chưa được đưa đến các cơ sở y tế kịp thời. Khi đưa đến cơ sở y tế thì bệnh rất nặng. Bên cạnh đó, việc quản lý thai nghén, tiêm chủng ở các xã vùng sâu, vùng xa tỷ lệ thấp. Nguyên nhân chủ quan được ngành Y tế xác định là do công tác quản lý trẻ em dưới 5 tuổi ở các cơ sở y tế vẫn chưa được chặt chẽ, vẫn còn bỏ sót các đối tượng trong việc tiêm chủng. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em còn hạn chế. Đặc biệt là trình độ của cán bộ y tế chưa đáp ứng được so với yêu cầu đặt ra. Công tác thống kê, báo cáo chưa đầy đủ, thiếu chính xác. Điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các tuyến xã chưa đáp ứng yêu cầu cho hoạt động chuyên môn. Thiếu kinh phí cho vấn đề đào tạo, tập huấn chuyên môn cho tuyến xã và tuyến bản. Công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở với trạm y tế tuyến xã trong việc tuyên truyền ở một số nơi vẫn còn bất cập..."

Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi vì sao mà tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi ở Tủa Chùa vẫn cao đã rõ. Xác định tình hình tử vong trẻ dưới 5 tuổi mỗi lúc một gia tăng đang là vấn đề hết sức bức thiết, bởi vậy chính quyền huyện Tủa Chùa cũng đã tập trung đề ra một số giải pháp trong thời gian tới với mong muốn sẽ giảm thiểu tình trạng này. Ông Lò Văn Phình - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tủa Chùa cho biết: "Trong thời gian tới, huyện Tủa Chùa chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể các xã, thị trấn phải vào cuộc tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khi có thai phải đến cơ sở y tế khám, kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng định kỳ. Đồng thời chỉ đạo các trạm y tế, nhất là trạm trưởng và các nữ hộ sinh trung học trực tiếp cắm các xã phải nắm bắt được thông tin kịp thời ở từng thôn, bản mình phụ trách."

Trong những năm qua, bằng các chương trình, nguồn vốn khác nhau, huyện Tủa Chùa đã được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trung tâm y tế luôn duy trì công tác khám, chữa bệnh từ tuyến huyện đến trạm y tế các xã, thị trấn. Trung tâm cũng thường xuyên tăng cường cử cán bộ đi tập huấn chuyên môn, đào tạo ngắn hạn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đào tạo chuyên khoa cấp I tại tuyến Trung ương để cập nhật các kiến thức, kỹ thuật phục vụ cho công tác điều trị. Hàng năm, về cơ bản đều thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giao. 

Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn song đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ từ xã đến huyện đã có nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn vất vả để mang các dịch vụ y tế đến cơ sở. Nhưng thực tế hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường, sự gia tăng dân số, quá tải bệnh viện, biến đổi khí hậu toàn cầu, một số căn bệnh mới bùng phát và một số căn bệnh tái xuất hiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng… đang đặt ra những thách thức mới cho hoạt động y tế dự phòng. Sự chênh lệch mức sống giữa các xã vùng sâu, vùng xa với trung tâm; giao thông đi lại khó khăn ở những bản vùng sâu, vùng xa… đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ tiêm chủng của phụ nữ có thai và trẻ em. Bởi vậy mà vẫn còn những khoảng trống giữa các vùng khác nhau. Đó là sự mất cân bằng giữa các vùng miền, các khu vực. Trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có nguy cơ tử vong trước 5 tuổi nhiều hơn trẻ em ở những khu vực tập trung dân cư. 

Trong bối cảnh chung như hiện nay thì vấn đề đối với Tủa Chùa cần phải đẩy mạnh những giải pháp tích cực để khỏa lấp những khoảng cách đó thông qua những chiến lược can thiệp nhằm giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh như: Đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, đào tạo cán bộ y tế có chuyên môn vững, đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra./.

 

Minh Thịnh - Huy Long

.