Điện Biên phát triển website quảng bá du lịch
Điện Biên TV - Nhằm đưa du lịch Điện Biên đến gần hơn với du khách, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có sự chuyển đổi cách tiếp cận và quảng bá du lịch theo hướng có trọng tâm và sáng tạo. Bên cạnh những cách quảng bá thông qua kênh truyền thông, tờ rơi hay tham gia các chương trình xúc tiến, từ đầu năm 2023, phần mềm: Hệ thống di sản văn hóa tỉnh Điện Biên đã đi vào hoạt động với nội dung giới thiệu, cung cấp thông tin tổng quan về Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh… một cách chân thực, sống động và mang lại hiệu quả cao.
Tại Ban quản lý Di tích tỉnh Điện Biên - một trong những đơn vị được giao quản lý, sử dụng phần mềm: Hệ thống di sản văn hóa tỉnh Điện Biên, hoạt động cập nhật thông tin, hình ảnh của các điểm di tích thành phần lên phần mềm được cán bộ đơn vị thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền đến du khách tham quan điểm di tích những tính năng nổi bật của phần mềm.
Theo đó, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh là du khách có thể tìm hiểu trước về các điểm đến như: Đồi A1, Hầm Đờ cát… thông qua hoạt động tham quan ảo 360 độ, được thiết kế giống hoàn toàn so với thực tế. Bước đầu du khách khá hào hứng khi được giới thiệu, tiếp cận với phần mềm này.
Cán bộ BQL Di tích tỉnh Điện Biên giới thiệu tới du khách Hệ thống di sản văn hóa tỉnh Điện Biên để có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về các điểm đến. |
“Chúng tôi thấy tất cả đều là hiện thực giữa quảng bá trên trang web và thực tế chúng tôi đến đều giống nhau. Mong rằng đơn vị sẽ làm ngày một tốt công tác quảng bá để nhiều người biết đến mảnh đất Điện Biên Phủ hào hùng.” - CCB Nguyễn Hữu Nguyên, TP. Hà Nội, chia sẻ.
Việc ứng dụng phần mềm Hệ thống di sản văn hóa tỉnh cũng được Bảo tàng tỉnh thực hiện bằng cách số hóa gần 400 hiện vật theo dạng 2D, trên 90 hiện vật 3D và số hoá tài liệu cho gần 4.400 hiện vật... Thông qua việc tham quan, tìm hiểu trên phần mềm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh sinh động, tìm hiểu được chất liệu, niên đại… của hiện vật. Qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử trực tuyến.
Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên, cho biết: “Khi áp dụng CNTT đã giúp cho việc quản lý hiện vật trở nên dễ dàng hơn, bởi toàn bộ các thông tin hiện vật được cập nhật trên phần mềm. Điều này cũng tạo thêm thuận lợi để các cán bộ chuyên môn có thể xây dựng, sưu tầm hiện vật và xây dựng chuyên đề về trưng bày, triển lãm.”
Chỉ với một thiết bị điện tử kết nối internet là du khách có thể tìm hiểu trước về các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Điện Biên thông qua hoạt động tham quan ảo 360 độ, được thiết kế giống hoàn toàn so với thực tế. |
Phần mềm quản lý di sản tỉnh Điện Biên được phát triển trên nền tảng web theo công nghệ Cloud (Điện toán đám mây) và chạy được trên tất cả các trình duyệt phổ biến nhất hiện nay với giao diện đẹp mắt, các thư mục được bố trí khoa học, dễ nhìn và dễ sử dụng.
Hệ thống đã cập nhật thông tin cơ bản, các hình ảnh về các di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục Quốc gia; được UNESCO ghi danh trên địa bàn tỉnh Điện Biên; cung cấp chính xác, kịp thời các thông tin về hệ thống di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng trên địa bàn tỉnh, các video, clip phục vụ nhu cầu nghiên cứu, quảng bá, giới thiệu đến khách tham quan.... Sau hơn 8 tháng triển khai, tổng số lượt truy cập thể hiện trên hệ thống quản lý, số hóa hiện đạt hơn 13.000 lượt.
Số hóa là xu hướng tất yếu trên thế giới, đặc biệt là số hóa về di sản, đây cũng là cách lưu giữ và quảng bá mới về di sản, giúp thu hẹp khoảng cách về không gian, địa lý. Phần mềm: Hệ thống di sản văn hóa tỉnh Điện Biên tuy mới được đưa vào vận hành nhưng bước đầu đã đem lại một số lợi ích về quảng bá hình ảnh, du lịch của tỉnh Điện Biên.
Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, hỗ trợ hướng dẫn tới đông đảo Nhân dân trên địa bàn về hệ thống và cách truy cập vào Hệ thống quản lý Di sản Văn hóa tỉnh Điện Biên./.
Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN