Ẩn họa từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
Điện Biên TV - Ngày nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã trở nên phổ biến, bởi sự tiện lợi và hiệu quả cho một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức và thiếu kiểm soát trong quá trình sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đang tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã trở nên phổ biến. |
Nằm trải dài hơn 20km trên các xã vùng lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh có diện tích sản xuất lúa đạt khoảng 4.000ha. Để cây lúa sinh trưởng và phát triển ổn định, vào nhiều thời điểm khác nhau kể từ khi làm đất, gieo cấy đến khi thu hoạch, người nông dân thường phun từ 5 - 7 lần thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Nếu sâu bệnh hại lúa phát triển, số lần sử dụng cũng sẽ tăng lên.
“Vụ lúa này, gia đình tôi gieo cấy 7.000m, từ lúc xuống giống đến thời điểm này, tôi cũng phun 2 đến 3 lần thuốc cỏ, sâu, rầy, khô vằn đạo ôn. Không phun thì cây lúa xuất hiện nhiều sâu bệnh và ảnh hưởng đến năng suất…”- chị Vì Thị Thắm, bản On, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, nói.
Ngoài tác dụng diệt dịch bệnh, các loại cỏ và sâu bệnh phá hoại mùa màng, nếu không được sử dụng đúng cách, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, nguồn nước người dân sử dụng chủ yếu lấy trực tiếp từ các mó nước đầu nguồn chưa qua xử lý. Chính vì vậy, khi thuốc bảo vệ thực vật không được sử dụng đúng cách ngấm vào đất, nước, nhiều vụ ngộ độc đã xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. |
Các bác sỹ, chuyên gia y tế cũng cảnh báo, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể tác động ngay lập tức hoặc tiềm ẩn tích lũy theo thời gian trong cơ thể con người, gây ảnh hưởng về lâu dài đối với sức khoẻ.
Bác sỹ CK1 Lường Văn Thoa, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, cho biết: “Hoạt chất nằm trong thuốc trừ cỏ là diquat ảnh hưởng rất nặng khi uống phải. Khi tiếp xúc gián tiếp như qua nguồn nước bị nhiễm thuốc trừ cỏ thì sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, phổi, gan thận gây suy gan, suy thận. Nếu uống trực tiếp hoạt chất này vào thì dẫn đến suy gan, suy thận rất nặng và tỷ lệ tử vong lên đến 70 - 90%”.
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. |
Trước những nguy hại tiềm ẩn từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng, kiểm soát lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc - đúng liều - đúng lúc - đúng cách; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa và sức khỏe của cộng đồng.
Minh Trang - Đức Trung/DIENBIENTV.VN