Những dấu hiệu F0 điều trị tại nhà cần thông báo ngay cho cơ sở y tế
Nếu chỉ số SpO2 thấp hơn 95% (sau 3 lần đo liên tục cách nhau 30s), F0 điều trị tại nhà cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất.
Nhân viên y tế đến kiểm tra sức khỏe và phát thuốc cho trường hợp F0 đang điều trị tại nhà. (Ảnh: TTXVN) |
Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày trên cả nước trong hôm 9/3 là hơn 100.000 ca cộng đồng. Với tỉ lệ tiêm phủ mũi 2 vaccine là hơn 90% trên toàn quốc, hầu hết các ca F0 trong giai đoạn này đều có triệu chứng nhẹ, được điều trị tại nhà. Tuy nhiên F0 điều trị tại nhà không nên chủ quan mà cần lưu ý tự theo dõi sức khỏe, tự nhận biết những dấu hiệu, triệu chứng nguy hiểm cần phải thông báo ngay với cơ sở y tế.
Các F0 điều trị tại nhà cần theo dõi kỹ, thường xuyên huyết áp, nồng độ oxy trong máu SpO2, nhịp thở, mạch, nhiệt độ. Trước hết là nồng độ oxy trong máu. Mỗi gia đình cần trang bị 1 máy đo SpO2, nếu chỉ số này thấp hơn 95% (sau 3 lần đo liên tục cách nhau 30s), cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất, bởi đó là khi người bệnh đã có vấn đề nguy hiểm về hô hấp.
Máy đo SpO2 cũng đo được nhịp tim. Nếu mạch trên 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 nhịp/phút là mức nguy hiểm.
Nhịp thở cũng rất quan trọng. Nếu người bệnh thấy đau ngực, khó thở, hụt hơi, thở bất thường. Người lớn 21 lần/phút trở lên. Trẻ 5-12 tuổi 30 lần/phút trở lên, trẻ 1-5 tuổi 40 lần/phút trở lên là mức nguy hiểm.
Người bệnh thấy da xanh, môi nhợt nhạt, đầu ngón chân ngón tay lạnh, thậm chí tím tái. Lơ mơ, co giật là những dấu hiệu cho thấy bất thường.
Đặc biệt lưu ý người cao tuổi, có ít nhất một bệnh nền, nếu mắc COVID-19 cần phải xin tư vấn bác sĩ xem có đủ điều kiện để điều trị tại nhà hay không. Theo dõi kỹ huyết áp. Còn đối với trẻ em sốt cao, nôn trớ, ăn kém bú kém, mê sảng, co giật cũng cần báo ngay với cơ sở y tế.
Link: https://vtv.vn/xa-hoi/nhung-dau-hieu-f0-dieu-tri-tai-nha-can-thong-bao-ngay-cho-co-so-y-te-20220310001523616.htm
Theo VTV