Gian nan những ngày truy vết COVID-19 ở tâm dịch Si Pa Phìn

Thứ Hai, 31/05/2021, 09:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - Được coi là một ổ dịch COVID-19 phức tạp với 46 ca mắc (tính đến 6h ngày 29/5/2021) và hàng nghìn F1. Hơn 2 tuần qua, xã biên giới Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã oằn mình chống chọi, khống chế, không để dịch lan rộng ra cộng đồng.

Trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện vào ngày 14/5, sau đó các ca nhiễm nhanh chóng tăng lên. Chỉ sau hơn 2 tuần, số bệnh nhân COVID-19 ở huyện Nậm Pồ đã được ghi nhận ở con số 46, kèm theo đó là 2.200 trường hợp F1 và trên 3.600 trường hợp F2.

Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ cơ bản được khống chế, trong 4 ngày liên tiếp, từ 25/5 - 28/5 chỉ ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2, những ca này đều đã được khoanh vùng, cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

1
Xã Si Pha Phìn có nhiều bản cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn khiến lực lượng làm công tác truy vết hết sức vất vả.

Để có được kết quả như vậy, công tác truy vết đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hàng trăm cán bộ, y bác sỹ, lực lượng công an, quân đội từ tuyến tỉnh và các địa phương được tăng cường hỗ trợ dập dịch. Dưới thời tiết khắc nghiệt của vùng biên giới, các lực lượng không quản ngày đêm, bất chấp nắng mưa để truy vết với tốc độ nhanh nhất.

Thế nhưng, khó khăn chồng chất khó khăn, xã Si Pa Phìn là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông. Đường đến các bản xa xôi, cách trở, trình độ dân trí không đồng đều nên nhận thức về dịch bệnh còn hạn chế. Khó khăn trong giao tiếp vì bất đồng ngôn ngữ, do phong tục tập quán còn nhiều thủ tục lạc hậu.

Do đó, khi đi truy vết, mỗi tổ phải bố trí 1 cán bộ lực lượng truy vết là người dân tộc Mông để phiên dịch. Bên cạnh đó, khi có dịch bệnh, người dân đóng cửa không giao tiếp với người ngoài, cắm cành cây tươi, cắm cành nêu trước cổng để người ngoài không được vào nhà.

1
Lực lượng làm công tác truy vết luôn thường trực sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Phong tục này ít nhiều cũng có tác dụng trong việc giãn cách giữa gia đình với gia đình, nhưng cũng gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, truy vết.

Những người làm công tác điều tra dịch tễ phải đi từng đỉnh núi, vượt qua những con suối, đi xe trên những đường mòn để tiếp cận được với người dân. Thuyết phục, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và hợp tác, khai báo… tuyên truyền để người dân thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi trời tối, có khi nửa đêm, hết ngày này qua ngày khác các lực lượng truy vết vẫn miệt mài đi khắp các bản làng. Có khi 1-2 giờ sáng khi có ca COVID-19 mới được ghi nhận, họ phải lại khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ và lao vào bóng đêm./.

 

 

CTV Mắn On/DIENBIENTV.VN
 

.