Sớm bổ sung chế độ cho thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc da cam/dioxin

Thứ Sáu, 26/02/2021, 10:16 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam không chỉ gây hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với những người bị ảnh hưởng trực tiếp mà còn gây nên những biến đổi gen di truyền tới nhiều thế hệ sau. Tuy nhiên, hiện nay thế hệ thứ 3 bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đang phải sống hết phần đời của mình trong bệnh tật, thiệt thòi lại chưa được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước về chính sách người có công.

26 năm qua, em Nguyễn Thị Trang, cháu nội của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nguyễn Duy Liếp ở đội 14, xã Thanh An, huyện Điện Biên sống trong ngờ nghệch của một đứa trẻ.

Gia đình đã đưa em đi chữa trị tại các bệnh viện từ tỉnh đến trung ương, ai chỉ cách gì cũng làm theo với mong muốn con khỏi bệnh. Nhưng, 26 tuổi, Trang vẫn không biết nói và cũng không tự kiểm soát hành vi của mình. Mọi sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, ăn uống đều phải có người phục vụ.

Khó khăn là vậy, song thiệt thòi hơn cả là 26 năm qua, em vẫn chưa được hưởng trợ cấp liên quan đến chất độc da cam mà mới chỉ được hưởng trợ cấp theo chế độ người tàn tật với mức rất thấp.

1
Dù đã 26 tuổi nhưng mọi sinh hoạt hàng ngày của em Nguyễn Thị Trang đều do mẹ chăm sóc, phục vụ.

Bản thân cháu bệnh tật di chứng của chất độc da cam, không có ý thức, từ nhỏ tới giờ đều do một tay tôi chăm sóc. Gia đình chỉ mong sao cháu được hưởng chế độ của người nhiễm chất độc hóa học để bớt khó khăn đi phần nào.” -  chị Phạm Thị Oanh - mẹ em Nguyễn Thị Trang, chia sẻ.

Kém may mắn hơn, trường hợp của em Chu Kim Chi, tổ 4, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, cháu nội của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Chu Văn Hải lại bị bệnh ung thư máu.

4 năm qua, cả 2 mẹ con Chi phải lặn lội về Viện huyết học truyền máu Trung ương, mỗi tháng 1 lần để thay máu. Chi phí cho mỗi lần đi cũng mất 5 triệu đồng trong khi thu nhập của gia đình chỉ trông vào công việc làm thuê của bố em.

Thương con, thương cháu, nhưng 2 ông bà già chỉ biết ngậm nước mắt vào trong, động viên con cái cố gắng chạy chữa bệnh cho đứa cháu kém may mắn.

Không chỉ có cháu Chi bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam/dioxin, 2 trong 6 người con của ông Hải cũng có biểu hiện về thần kinh.

1
Ông Chu Văn Hải và cháu nội Chu Kim Chi. Cháu Chi bị ung thư máu do di chứng của chất độc da cam.

Ông Chu Văn Hải buồn rầu nói: “Thảm họa da cam ảnh hưởng rất lớn và nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến con, đến cháu chúng tôi. Tương lai của con, cháu phải lo nghĩ nhiều. Rất mong Đảng, nhà nước đã quan tâm đến chúng tôi rồi thì cũng sớm có chính sách quan tâm đến thế hệ thứ 3 để có chút động viên cho con cháu đỡ tủi thân.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng di chứng của chất độc da cam/dioxin vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình. Thế nhưng hiện nay, chính sách cho đối tượng bị nhiễm chất độc da cam mới chỉ thực hiện cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Còn với thế hệ thứ 3 đang phải hứng chịu di chứng nặng nề của chất độc da cam/dioxin lại không được hưởng chế độ này, khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình trở nên khốn khó vô cùng.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 250 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, có gần 40 trường hợp là con đẻ và cháu bị nhiễm chất độc hóa học gây dị tật, dị dạng bẩm sinh. Việc sớm bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thế hệ thứ 3 của những nạn nhân nhiễm chất độc hóa học được thụ hưởng chính sách đối với người có công là điều cấp thiết hơn bao giờ hết để các gia đình giảm bớt khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống./.
 

 

Hoàng Út – Trọng Lâm/DIENBIENTV.VN
 

.