Khó khăn trong xây dựng NTM tại huyện Điện Biên
Điện Biên TV - Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Điện Biên đã có 13/21 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt bình quân hơn 14 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, địa phương này vẫn còn 8/21 xã chưa đạt chuẩn Nông thôn mới và chưa có xã nào đạt xã Nông thôn mới kiểu mẫu; nguyên nhân có cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Năm 2018, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), xã Thanh Hưng cũng được chọn làm điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu và hoàn thành vào năm 2020.
Theo quy định, để đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thì bắt buộc xã phải đạt NTM nâng cao. Song, sau gần 2 năm thực hiện, xã vẫn còn 3/16 tiêu chí nâng cao chưa hoàn thành do thiếu kinh phí đó là: thủy lợi, cảnh quan môi trường, thông tin và truyền thông.
Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao, để được xét công nhận xã NTM kiểu mẫu thì, Thanh Hưng cần tiếp tục hoàn thành 13 chỉ tiêu của 4 nhóm tiêu chí. Trong đó, một số chỉ tiêu xã xác định không thể đạt được trong năm 2020, như: thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,5 lần so với thời điểm công nhận đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo là 0%…
Bà Hà Thị Bích Nhung – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Hưng, chia sẻ: Kế hoạch hoàn thành chỉ còn hơn 2 tháng nữa, trong khi khối lượng công việc còn rất nhiều nên đây thực sự là khó khăn, thách thức với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã.
Hoàn thiện hệ thống đường giao thông cũng là một trong những thách thức đối với nhiều địa phương của huyện Điện Biên trong quá xây dựng NTM. |
Cùng với những khó khăn của xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu như Thanh Hưng thì, huyện Điện Biên cũng gặp nhiều vướng mắc khi còn 08/21 xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM.
Các xã này chủ yếu là xã nghèo, đặc biệt khó khăn, điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân còn thấp, chưa có khả năng đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới; hạ tầng kinh tế yếu kém, không đồng bộ, sản xuất chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao; việc đầu tư hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới phải được tiến hành từng bước.
Bởi vậy, qua hơn 10 năm triển khai, đến nay, trong số 8 xã chưa đạt chuẩn thì có đến 5 xã là Na Tông, Na Ư, Mường Lói, Pa Thơm, Hua Thanh mới đạt từ 6 - 8 tiêu chí; Mường Pồn, Hẹ Muông đạt 9 tiêu chí và Phu Luông đạt 10 tiêu chí…
Trước thực trạng trên, huyện Điện Biên đang tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc và triển khai nhiều giải pháp khác nhằm hoàn thành các mục tiêu xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.
Tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được mình là chủ thể trong xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Điện Biên xác định rõ. |
Ông Ngô Xuân Chinh – Phó Chủ tịch UBND huyện ĐIện Biên, cho biết: “Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, huy động vốn, xây dựng các chính sách đặc thù, huy động sự tham gia đóng góp của người dân... Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Đây là vấn đề hết sức quan trọng của huyện”.
Huyện Điện Biên đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ trở thành huyện cơ bản đạt chuẩn NTm, với 21/21 xã trong toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Bởi vậy, thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền đến người dân huyện sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện xây dựng và xét công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí của UBND tỉnh đã ban hành; nâng cao số tiêu chí tại các xã khó khăn để giảm chênh lệch giữa các vùng; tăng cường thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; thực hiện xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, nâng cao về chất đối với thôn bản, xã sau khi đạt chuẩn NTM./.
Phương Dung - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN