Dư luận quốc tế về chuyến thăm Việt Nam của tân Thủ tướng Nhật Bản

Thứ Ba, 20/10/2020, 07:05 [GMT+7]

Chuyến thăm Việt Nam của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nhận được sự quan tâm của truyền thông và dư luận quốc tế.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga kể từ khi ông chính thức thay cựu Thủ tướng Abe Shinzo hồi giữa tháng 9/2020.

1
Ông Yoshihide Suga chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên sau khi đắc cử Thủ tướng Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo).

Theo giới quan sát, việc Thủ tướng Nhật Bản Suga chọn thăm Việt Nam đầu tiên ngay sau khi lên nắm quyền, cho thấy ông đánh giá cao mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản cũng như ý nghĩa của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Tokyo.

Lựa chọn “tự nhiên”

Tờ Japan Times trích dẫn phân tích của ông Kuni Miyake, Chủ tịch Viện chính sách đối ngoại đồng thời là cố vấn đặc biệt của chính quyền Thủ tướng Suga đánh giá, việc ông Suga lựa chọn Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên là sự lựa chọn “tự nhiên”. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Mỹ -  đồng minh an ninh và Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.

Liên quan đến câu hỏi tại sao lại là Việt Nam và Indonesia mà không phải các quốc gia khác trong ASEAN, chuyên gia Kuni Miyake nói: “Việt Nam là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 còn Indonesia là một thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20)”.

Theo chuyên gia này, Nhật Bản đóng một trò quan trọng trong việc thực hiện tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP), tạo cơ sở cho một đấu trường ổn định và thịnh vượng hơn ở Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á. Vì thế, chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Suga đến Việt Nam và Indonesia đang là sự kiện đáng mong đợi.

Tờ India Times của Ấn Độ đánh giá, việc ông Suga lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài ngay khi lên nắm quyền đã phản ánh những tiến bộ đáng kể trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Thời gian gần đây, Nhật Bản ngày càng chú trọng đến quan hệ song phương với Việt Nam.

Tờ báo này nhấn mạnh, Việt Nam có tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược đối với Nhật Bản. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại song phương từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay đã tăng khoảng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, hai bên cũng có chung mối quan tâm về tình hình tại Biển Đông, mong muốn xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Việt Nam và Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Hai bên cũng trao đổi các chuyến thăm cấp cao để thảo luận về các vấn đề chung.

Vai trò và vị thế quan trọng của Việt Nam

Theo Time of Indian, việc Việt Nam thực hiện tốt vai trò chủ tịch ASEAN và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã nổi lên là một quốc gia vững vàng ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định.

Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để thu hút các công ty sản xuất nước ngoài và tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh để họ phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang từng bước cung cấp những lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp sản xuất. Đây là một trong những yếu tố khiến nhiều công ty Nhật Bản để mắt đến Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, hãng tin Reuters của Anh cho rằng, chuyến thăm của ông Suga sẽ giúp Nhật Bản tăng cường hợp tác về kinh tế với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong bối cảnh Tokyo đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Chính phủ Nhật Bản hiện nay đang tài trợ cho các công ty chuyển chuỗi sản xuất sang Đông Nam Á – nơi vừa có vị trí địa lý thuận lợi, lại vừa cung cấp nguồn lao động giá rẻ. Trong số hơn 30 công ty, từ sản xuất trang thiết bị y tế đến phụ tùng, động cơ  ô tô, được lựa chọn để nhận tài trợ của chính phủ tính đến thời điểm hiện tại, thì hơn một nửa đang có kế hoạch hoạt động tại Việt Nam.

Reuters trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Suga nêu rõ: “Dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy rõ ràng rằng để duy trì chuỗi cung ứng trên toàn cầu, điều quan trọng là phải giảm thiểu nguy cơ gián đoạn và tạo ra hệ thống cung ứng bền vững”. Thủ tướng Suga cho biết, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh, nói lại các chuyến bay thương mại. Ông Suga cũng cam kết sẽ giúp đỡ các thực tập sinh, các lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.

Tiếp nối chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm

Liên quan đến chuyến công du của ông Suga, Tờ Tân Hoa xã trích dẫn ý kiến của một số nhà quan sát nhận định, việc Thủ tướng Nhật Bản lựa chọn Việt Nam và Indonesia là hai điểm đến đầu tiên, cho thấy Tokyo muốn tăng cường quan hệ hợp tác với ASEAN và ưu tiên khôi phục kinh tế. Giới phân tích dự đoán rằng, chính phủ của Thủ tướng Suga phần nhiều sẽ đi theo đường lối chính sách đối ngoại của cựu Thủ tướng Abe trong tương lai gần.

Tân Hoa xã cho rằng, cả Việt Nam và Indonesia đều là những quốc gia có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ ở Đông Nam Á. Đáng chú ý đây cũng là những điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe khi ông trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012./.

Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/du-luan-quoc-te-ve-chuyen-tham-viet-nam-cua-tan-thu-tuong-nhat-ban-787323.vov

Theo Hồng Anh/VOV.

.