Tạo cơ hội hòa nhập cho trẻ tự kỷ

Thứ Năm, 10/09/2020, 14:48 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tự kỷ ở trẻ em đang là những rào cản lớn khiến trẻ không thể hòa nhập cộng đồng. Việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, đang là giải pháp tối ưu để hạn chế những ảnh hưởng của chứng tự kỷ đối với trẻ và giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

1
Theo số liệu thống kê số trẻ có biểu hiện tự kỷ tại Điện Biên đang có chiều hướng gia tăng.

Theo số liệu thống kê của Sở lao động thương binh và xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 180 nghìn trẻ em, trong đó có trên 3 nghìn trẻ em khuyết tật. Trong số trẻ khuyết tật này có gần 25% trẻ chưa bao giờ đi học, trên 34% đã thôi học.

Số trẻ khuyết tật hiện đang đi học chủ yếu là trẻ khuyết tật nhẹ, trong khi hầu hết trẻ khuyết tật nặng đang phải ở nhà do chưa có môi trường chăm sóc giáo dục đặc biệt. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, song số trẻ có biểu hiện tự kỷ tại Điện Biên đang có chiều hướng gia tăng.

Để góp phần tăng thêm tỷ lệ trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục cũng như tăng cường chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật trên địa bàn, tháng 7/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập của tỉnh.

Tháng 10/2019, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động. Tháng 12/2019, Trung tâm được Sở GD - ĐT cho phép thực hiện công tác tuyển sinh đợt 1 năm học 2019-2020 với 20 trẻ. Tháng 6/2020 Trung tâm tiếp tục được Sở GD và ĐT cho phép tuyển sinh đợt 2 với 21 trẻ.

Bà Mai Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên cho biết: “Chương trình giáo  trình giáo dục Trung tâm thực hiện là chương trình can thiệp sớm, tiền học đường và giáo dục kỹ năng. Sau đó TT được trải nghiệm thực tế tại  Trung tâm trị liệu và tư vấn tại Hà Nội. Đối với lớp trị liệu ngôn ngữ Trung tâm sẽ sử dụng biện pháp mát xa, ép hơi để trẻ có thể bật âm và biết nói. 2 lớp tiền học đường phương pháp chính là phương pháp Teach dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ”.

1
Việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, đang là giải pháp tối ưu để hạn chế những ảnh hưởng của chứng tự kỷ đối với trẻ

Tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên, đa số trẻ được gửi gắm tại đây là trẻ tự kỷ. Trong khi đó, mỗi trẻ tự kỷ lại có những sự khác biệt riêng như: Rối loạn về ngôn ngữ, âm thanh, tập trung, rối loạn về cảm xúc…vv… đòi hỏi sự chăm sóc, giáo dục chuyên biệt để trẻ có thể tự tin hòa nhập cộng đồng.

Cô Phan Thị Vân Trang, Giáo viên Lớp chậm phát triển ngôn ngữ - Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên cho biết: “Quá trình quan sát từ đầu năm học đến giờ bản thân tôi cũng đã quan sát và định hướng cho mình phương pháp dạy. Đối với trẻ chưa có ngôn ngữ dạy theo phương pháp Teach sau đó tôi kèm theo phát triển tâm vận động cho các bạn ấy để các bạn ấy cảm giác được là chính mình. Ngoài phương pháp đi theo tâm vận động kèm theo đó là mát xa, bấm huyệt, ép hơi, các bài tập chéo để các bạn nhận thức được giữa 2 bán cầu não để các bạn ấy có thể tự tư duy được”.

Sau một thời gian học tập tại Trung tâm, một số trẻ đã có thể tự ý thức và làm theo sự hướng dẫn của cô giáo và biết tập trung hơn. Tuy nhiên để điều trị chứng tự kỷ ở trẻ cần phải có thời gian dài, sự kiên trì và quan tâm của gia đình và xã hội nhiều hơn nữa.

Việc thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh đã mở ra cơ hội cho trẻ khuyết tật nói chung, trẻ tự kỷ nói riêng được học văn hóa, được giáo dục kĩ năng sống để các em có thể hòa nhập và phát triển toàn diện hơn./.
 

 

Hoàng Út – Tiến Dũng/DIENBIENTV.VN

.