Chăm sóc tôn tạo các Nghĩa trang liệt sỹ
Điện Biên TV - Trong những năm qua, bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các chính sách cho thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, công tác chăm sóc, sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng được thường xuyên quan tâm, chú trọng, thể hiện lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ.
Nghĩa trang liệt sỹ A1 |
Nằm bên con đường mang tên người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang liệt sỹ A1 là Nghĩa trang cấp Quốc gia với diện tích hơn 32.000 m2, được quy tập từ những năm 1958 đến năm 1960 với 644 ngôi mộ liệt sỹ.
Trải qua nhiều lần quy hoạch và xây dựng, cùng với việc thường xuyên được chăm sóc, tôn tạo, đến nay Nghĩa trang liệt sỹ A1 đã trở thành một công trình văn hoá lịch sử, vừa là một nghĩa trang công viên với lối kiến trúc độc đáo, trở thành điểm tham quan, tìm hiểu về truyền thống cách mạng của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Để đảm bảo tính tôn nghiêm, cũng như thể hiện lòng tri ân đối với những anh hùng của dân tộc, tại đây, cảnh quan môi trường cũng như các phần mộ liệt sỹ thường xuyên được chăm sóc chu đáo.
Ông Lường Văn Thương, Phụ trách Nghĩa trang liệt sỹ A1, TP.Điện Biên Phủ, Điện Biên cho biết: “Chúng tôi ở đây công việc là bảo vệ, chăm sóc khuôn viên nghĩa trang được khang trang, sạch đẹp, hàng năm đón tiếp đoàn khách đến thăm viếng Nghĩa trang. Được sự quan tâm của Đáng, Nhà nước, đặc biệt là UBND tỉnh, Sở LĐTBXH, hàng năm đều được tu sửa một số công trình hạng mục hư hỏng nên Nghĩa trang được khang trang sạch đẹp”
Nhân dân thăm các phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Tông Khao huyện Điện Biên |
Sau một đêm hành trình vượt 200 km, gia đình ông Lò Văn Du ở xã Chiềng Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La đến mảnh đất Điện Biên để thăm viếng người anh trai là Liệt sỹ Lò Văn Piến, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào.
Năm 1990, hài cốt của liệt sỹ được quy tập về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao, huyện Điện Biên, trở thành niềm an ủi và động viên lớn đối với gia đình sau nhiều năm chờ đợi, mong mỏi. Ông Du chia sẻ, giờ đây gia đình rất yên tâm khi phần mộ được quy tập, chăm sóc chu đáo, hoàn thành tâm nguyện đưa được hài cốt người thân về an nghỉ tại quê hương.
Ông Lò Văn Du, Xã Chiềng Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Nhà nước đã đến báo tử nhưng chưa biết hài cốt ở đâu, đến năm 1990 thì được nhà nước quy tụ hài cốt từ bên Lào về Nghĩa trang Tông khao, từ đó gia đình nắm được ngày 27/7 hàng năm đều lên thắp hương cho anh trai. Nhà nước đã quy tụ về tập trung ở nghĩa tran, bản thân tôi cảm thấy Nghĩa trang đã được xây dựng quy mô và dọn dẹp rất sạch sẽ”.
Các Nghĩa trang liệt sỹ đều được đội ngũ cán bộ quản trang thường xuyên trông coi, quét dọn, cắt tỉa cây xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. |
Điện Biên hiện có 38 công trình ghi công liệt sỹ, trong đó có 10 Nghĩa trang liệt sỹ bao gồm 3 Nghĩa trang liệt sỹ cấp Quốc gia, với tổng số gần 7.400 phần mộ, 5 công trình đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, 28 công trình nhà bia ghi tên liệt sỹ. Hằng năm, ngoài việc đầu tư, nâng cấp, các Nghĩa trang liệt sỹ đều được đội ngũ cán bộ quản trang thường xuyên trông coi, quét dọn, cắt tỉa cây xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Cùng với đó, vào những dịp lễ, tết, 27/7 hằng năm, các đoàn thể, nhân dân, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, các cháu thiếu niên nhi đồng trên địa bàn đến quét dọn, cắm hoa trên từng ngôi mộ và dâng hương tưởng nhớ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: “Cái khó khăn ở đây là nguồn lực về tài chính trên địa bàn tỉnh rất khó khăn, tuy nhiên chúng tôi đã báo cáo và được Bộ quan tâm, hàng năm việc cấp bổ kinh phí chúng tôi sử dụng sao cho hiệu quả, sắp xếp việc nào làm trước làm sau, đảm bảo các công trình Nghĩa trang luôn trang nghiêm, đảm bảo đúng nghi thức, phong tục. Vừa là các Nghĩa trang, vừa là để người dân tham quan trong các Nghĩa trang đó”
Với tâm niệm, Nghĩa trang liệt sĩ là công trình Văn hóa - lịch sử mang đậm giá trị nhân văn ghi nhận công lao của các anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Bảo vệ và chăm sóc phần mộ của liệt sỹ vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của người còn sống, đồng thời có tính giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần giữ gìn nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ ngày càng trang nghiêm ./.
Minh Trang – Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN