179 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Điện Biên TV - Từ đầu năm đến nay (1/1 đến 10/3/2020), lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã phát hiện và lập biên bản 179 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, trong đó 22 trường hợp điều khiển ô tô, 157 trường hợp điều khiển mô tô.
Lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã phát hiện và lập biên bản 179 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn |
Trong bối cảnh nguy cơ ảnh hưởng từ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông vẫn được lực lượng Cảnh sát giao thông nghiêm túc thực hiện. Tất nhiên, các biện pháp đảm bảo an toàn cho người được kiểm tra và cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu.
Tính từ ngày 1/1 đến 10/3 năm 2020, lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 179 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, trong đó 22 trường hợp điều khiển ô tô, 157 trường hợp điều khiển mô.
Lực lượng CSGT tiến hành xử lý 79 trường hợp, trong đó 68 trường hợp điều khiển mô tô, 11 trường hợp điều khiển ô tô, tước 75 giấy phép lái xe các loại; xử phạt, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 435 triệu đồng.
Từ khi Nghị định 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành đã tác động sâu rộng về nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong thời gian gần đây, không ít người dân cho rằng CSGT sẽ không đo nồng độ cồn nữa nên có tư tưởng “nới lỏng bản thân” hơn trong việc sử dụng rượu bia.
Để giảm thiểu tình trạng này, trong quá trình kiểm tra, lực lượng CSGT tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông được tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người bị kiểm tra và cán bộ thi hành công vụ. Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng được thu gom, xử lý theo quy định.
Sau 3 tháng thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ và thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cho thấy, không chỉ tai nạn giao thông giảm rõ rệt mà quan trọng hơn là đã giúp thay đổi thói quen về lựa chọn phương án tham gia giao thông an toàn của người dân sau khi sử dụng rượu bia./.
Đức Trung/DIENBIENTV.VN