Ẩn họa từ đường điện sau công tơ

Thứ Hai, 12/08/2019, 14:12 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tuy đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới vào năm 2015, song đến nay hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên vẫn đang phải đối mặt với nguy hiểm từ việc mất an toàn hệ thống lưới điện của mình. 

1
Hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên vẫn đang phải đối mặt với nguy hiểm từ việc mất an toàn hệ thống lưới điện của mình.

Khó có thể hình dung được những bó dây điện chằng chịt mắc tạm bợ trên những cọc tre, “vắt vẻo” qua ruộng lúa, ao cá, ghé tạm lên 1 cành cây cao... lại là đường dây dẫn cung cấp điện cho hơn 20 hộ dân tại bản Na Khưa B, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên. Điều này vừa khiến cho nguồn điện bị hao phí, lại vừa gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là vào những ngày mưa bão.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc người dân phải tự mua dây điện rồi dựng cọc tre không đảm bảo chất lượng để kéo điện từ công tơ về nhà sử dụng; hộ ít thì vài chục mét, hộ nhiều thì lên đến vài trăm mét. Trong nhiều năm qua, những hàng cọc tre cứ “oằn lưng” đỡ các bó dây điện qua ruộng lúa, vườn rau của người dân. Thực tế này đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện, nhất là trong mùa mưa lũ này?

1
Đường điện được chống đỡ bằng những bật liệu thô sơ, gây mất an toàn về lưới điện

Ông Quàng Văn Diên, Bản Na Khưa B, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết: Từ năm 2000 dân bản Na Khưa B chúng tôi có điện về bản, bà con chúng tôi cũng rất vui mừng, nhưng hộ ở xa cột thì phải mua cột tre để kéo điện về tận hộ gia đình. Thời tiết mưa gió này thì cột điện bằng tre này sợ nó đổ, sợ nguy hiểm cho bà con. Các cháu ở trong thôn, bản thì sợ là đường dây điện đi qua các cây có quả ăn thì trẻ con trèo hái sợ điện giật lắm, rất là nguy hiểm

Thực trạng này đang diễn ra ở hầu hết các thôn, bản của xã Thanh Chăn. Mặc dù, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện của xã đạt 100%, tuy nhiên, xã vẫn còn khoảng 150 hộ dân phải sử dụng các cột điện thô sơ và đường điện tự kéo không an toàn từ công tơ về nhà. Theo phản ánh của người dân địa phương, mỗi khi mưa bão, việc cột tre đổ gãy, dây điện bị đứt đã từng xảy ra và thực trạng này tiếp diễn đã nhiều năm nay như những cái bẫy “tử thần” vẫn luôn rình rập.

1
Hiện nay toàn xã vẫn còn khoảng 150 hộ dân phải sử dụng các cột điện thô sơ và đường điện tự kéo không an toàn từ công tơ về nhà

Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết: Đường điện của xã Thanh Chăn được đầu tư từ những năm 2000 theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm theo quy định các hộ phải từ 3 hộ và trên 100m mới được hỗ trợ đường dây và dưới 100m thì gia đình phải tự túc, do vậy cũng rất là bất cập. Vì vậy, UBND xã đã có các văn bản để trình Điện Lực Điện Biên và các kỳ tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh và huyện thì cử tri cũng đã có ý kiến đề nghị để xem xét cân đối các nguồn để xây dựng đáp ứng đường điện để bà con được sử dụng điện an toàn

Tiêu chí về Điện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm: Hệ thống điện phải đạt về đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 98%. Chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng điện tại xã Thanh Chăn đã đạt; tuy nhiên, chỉ tiêu về việc đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện với thực trạng như hiện tại thì đã rõ câu trả lời. Vậy bao giờ người dân mới được đầu tư hệ thống cột điện an toàn, đang rất cần sự đầu tư của chính quyền địa phương và ngành chức năng./.
                                       

 

Phương Dung - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN

.