Điện Biên

Khó khăn trong kiểm soát giết mổ lợn

Thứ Năm, 13/06/2019, 06:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Kiểm soát giết mổ lợn thịt là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh lây lan. Thế nhưng, thực trạng giết mổ lợn nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung đang gây khó khăn trong việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ hiện nay.

1
Các tiểu thương đều giết mổ lợn tại gia đình sau đó vận chuyển ra chợ trung tâm 1 thành phố Điện Biên Phủ


3h sáng tại chợ đầu mối thịt lợn Trung tâm 1 Thành phố Điện Biên Phủ, hàng trăm con lợn đã được phay, chặt sẵn chờ mang đi cung cấp cho tiểu thương các chợ trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ và các nhà hàng, bếp ăn tập thể...

Do chưa có những cơ sở, địa điểm giết mổ tập trung nên tất cả những con lợn này đều được các chủ lò mổ giết mổ ngay tại nhà, sau đó vận chuyển mang ra chợ để bán. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan thú y chỉ có thể kiểm tra đóng dấu lợn thịt ở ngoài chợ, mà không thể kiểm soát được quy trình giết mổ.

Ông Vũ Mạnh Tưởng, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục thú y tỉnh Điện Biên cho biết: Các điểm giết mổ nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư chính vì vậy quá trình kiểm tra chỉ có thể đóng dấu ngoài chợ mà không thể kiểm soát được quá trình giết mổ của các tiểu thương

1
Do các tiểu thương đều giết mổ lợn tại gia đình nên cơ quan thú y chỉ có thể kiểm tra đóng dấu lợn thịt ở ngoài chợ, mà không thể kiểm soát được quy trình giết mổ

 

Cũng xuất phát từ nguyên nhân trên, nên các quầy thịt lợn bày bán tự phát và không thường xuyên tại các nhà dân, tuyến phố vỉa hè đều không thể kiểm soát liên tục và chặt chẽ được.

Mặt khác cán bộ thú y làm công tác kiểm soát giết mổ gia súc trên địa bàn Thành phố ít, 1 cán bộ phụ trách kiểm soát tới 2, 3 chợ trong khi đó nhiều tiểu thương lại không hợp tác. Những yếu tố trên đang làm dịch bệnh nhất là dịch tả lợn châu Phi khó được kiểm soát chặt trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ.

Trong quá trình chờ đợi quy hoạch và triển khai xây dựng các cơ sở, địa điểm giết mổ tập trung, thì ngay bây giờ công tác kiểm soát giết mổ gia súc cần có sự vào cuộc tích cực và quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng, chứ không của riêng cơ quan thú y.

Có như thế việc kiểm soát giết mổ gia súc trên địa bàn Thành phố mới đạt hiệu quả, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi mới được ngăn ngừa và  kiềm chế tối đa./.
           

 

 

Như Quỳnh- Quang Hùng/DIENBIENTV.VN

.