Hiệu quả từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Điện Biên

Chủ Nhật, 12/05/2019, 17:13 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng quan trọng giúp nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cũng nhờ nguồn vốn này nhiều gia đình hội viên khó khăn, thiếu vốn đã có vốn để đầu tư phát triển kinh tế xây dựng được các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; từng bước nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo. Từ đó góp phần quan trọng để mỗi địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân tỉnh có trên 80.000 hội viên sinh hoạt ở hơn 1.810 chi hội cơ sở. Những năm qua, cùng với việc chú trọng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, các cấp Hội còn tập trung hỗ trợ hội viên về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cách thức phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi. Thực hiện Kết luận số 61 ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận của Ban Bí thư, chú trọng việc xây dựng, quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.

1
Gia đình ông Lò Văn Thuận ở đội 10A, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên được vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển chăn nuôi trâu bò

 

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết: Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh được hình thành từ nguồn ngân sách, nguồn ủy thác từ Trung ương hội và nguồn vận động từ ban vận động quỹ hỗ trợ nông dân; trong quá trình triển khai thì nguồn chủ yếu tập trung cho hội viên nông dân vay để phát triển sản xuất, đặc biệt những hội viên nghèo, thiếu vốn sản xuất; Đến nay đã hỗ trợ xây dựng được trên 30 dự án với hơn 100 mô hình liên kết nhóm hộ; với tổng nguồn vốn đạt trên 14 tỉ đồng.

Không đất canh tác, không công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh nên gia đình ông Lò Văn Thuận ở đội 10A, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên nhiều năm liền vẫn chưa thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, giờ đây cuộc sống của gia đình ông Thuận đã khác; trò chuyện với chúng tôi ông Thuận cho biết: “Trước đây gia đình rất khó khăn, có lúc ông cũng đã nghĩ đến việc phải chăn nuôi con trâu, con bò để phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh đói nghèo nhưng do không có vốn để mua con giống nên đành phải chịu”.

Năm 2014 gia đình Ông được tham gia Dự án nuôi trâu, bò sinh sản do Hội Nông dân tỉnh triển khai từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Với số tiền được vay 50 triệu đồng, cùng với vốn tự có, ông Thuận đã mua được 3 con trâu, và 4 con bò để nuôi sinh sản.

Được cán bộ hội nông dân hỗ trợ và hướng dẫn về kỹ thuật nuôi nhốt và phòng trừ dịch bệnh, cộng với sự chăm sóc tốt của gia đình, giờ đây đàn trâu, bò của ông Thuận đang phát triển khá tốt. Ngoài duy trì và phát triển thêm số lượng đàn, mỗi năm gia đình ông Thuận thu từ 100 đến 150 triệu đồng từ bán trâu bò giống, nhờ đó mà cuộc sống của gia đình thêm ổn định và dần trở nên sung túc.

Nhờ chú trọng đến công tác tuyên truyền, giúp hội viên hiểu thấu đáo mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nên đến nay Huyện Điện Biên là một trong những địa phương có tổng dư nợ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân lớn nhất trong tỉnh. Để phát huy hiệu quả nguồn quỹ này, Hội Nông dân huyện luôn chú trọng và chủ động lập kế hoạch triển khai kịp thời, hiệu quả nguồn Quỹ thông qua các dự án cho vay phát triển sản xuất thiết thực.

Trong quá trình triển khai cho vay, Hội Nông dân huyện tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn; trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn. Hội còn định hướng cho các hộ vay Quỹ sử dụng vốn sao cho kịp thời và hiệu quả nhất; vận động hội viên vay vốn tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi.

Các cơ sở hội cũng thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn để kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên để có những điều chỉnh, hỗ trợ và rút kinh nghiệm kịp thời.

Ông Lò Văn Lún, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Điện Biên cho biết: Điện Biên là huyện lớn, trong thời gian qua hội nông dân huyện đã được hỗ trợ nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân; chúng tôi tập trung nguồn vốn triển khai 3 loại mô hình, chăn nuôi bò, trâu, nuôi cá; về nguồn vốn thì rất hiệu quả.

Ðến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Điện Biên đã giải ngân được gần 4 tỉ đồng, với 13 dự án được triển khai ở 9 xã, chủ yếu nhằm phát triển các mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi cá rô phi đơn tính.

Qua đánh giá của cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân bước đầu đã đáp ứng được nguyện vọng thiết thực của bà con nông dân, tháo gỡ một phần nhu cầu về vốn cho hội viên; khuyến khích được bà con đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo ra được những nông sản hàng hóa chất lượng và có sức cạnh tranh. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh tăng năng suất, tạo việc làm và tăng thu nhập.
 
Không chỉ giúp cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của nông dân phát triển mạnh mẽ hơn.

1
Ông Dương Đình Tám (Người ở giữa), Tổ 2 phường Tân Thanh, Thành Phố Điện Biên Phủ là tấm gương điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay quỹ hỗ trợ nông dân trong việc phát triển kinh tế

 

Là một trong những hộ luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của thành phố Điện Biên Phủ, ông Dương Đình Tám, ở tổ 2, phường Tân Thanh luôn tìm cho mình những hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình.

Nắm bắt được rằng, cây bưởi da xanh có thể phát triển tốt tại Điện Biên, lại đang là loại trái cây có giá trị, dễ tiêu thụ trên thị trường, nên mặc dù không có đất, nhưng ông Tám đã đi  thuê trên 3 héc ta để đầu tư phát triển mô hình bưởi da xanh. Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và sự hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của của Hội Nông dân thành phố, đến nay vườn bưởi da xanh trên 700 gốc của ông Tám đang phát triển khá tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.

Ông Dương Đình Tám, Tổ 2 phường Tân Thanh, Thành Phố Điện Biên Phủ cho biết: Trong quá trình hình thành kinh tế gia đình bước đầu thì rất khó khăn; nhưng được sự hỗ trợ các cấp hội giúp đỡ, đặc biệt vừa qua gia đình được hướng dẫn kỹ thuật thì gia đình cũng mong muốn được vay thêm vốn để mở rộng quy mô trồng cây. Và đặc biệt khi  vừa rồi được hướng dẫn kỹ thuật mô hình trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao thì tôi đang tiến hành đầu tư; vì hiện tại nhu cầu thị trường đang lớn và cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 30 dự án với trên 100 mô hình được triển khai và đầu tư từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân; tổng số tiền đã giải ngân cho trên 700 hội viên nông dân vay là hơn 14 tỷ đồng.

Trong đó có 11 tỷ đồng là nguồn vốn của Trung ương Hội ủy thác; 2 tỉ đồng là nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh. Qua quá trình triển khai đã chứng minh cho thấy: Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trở thành nguồn lực thiết thực giúp nhiều hội viên nông dân, nhất là những nông dân nghèo, thiếu vốn có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy các xã, bản hoàn thiện những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân mà các dự án, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của từng gia đình, từng nhóm hộ được hình thành; đồng thời, bước đầu có các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong cơ chế thị trường năng động.

Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp cho trên 300 hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên khá giả; đồng thời, giúp cho trên 1.000 lao động nông thôn trong tỉnh có việc làm ổn định. Nhìn chung các dự án đã thực hiện đúng mục tiêu kế hoạch đề ra; các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích. Sau khi vay vốn, các hộ còn được các cấp Hội ND chuyển giao khoa học kỹ thuật; thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất; tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh và cách quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, tạo việc làm và tăng thu nhập.
 
Hiện nay, nguồn vốn được cấp từ ngân sách tỉnh cho Quỹ còn khá ít, nguồn vốn vận động từ cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và từ hội viên nông dân vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân.

Vì vậy, để Quỹ Hỗ trợ nông dân trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành với nhà nông trong phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội nông dân các cấp trong tỉnh cần tích cực hơn nữa trong việc huy động nguồn vốn. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở; tích cực kiểm tra, giám sát về sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn.

Song song với đó là đẩy mạnh các chương trình hoạt động hướng về cơ sở, nhằm tổ chức tốt các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất nông - lâm nghiệp cho hội viên nông dân. Có như vậy, Quỹ HTND mới phát huy được hiệu quả cao nhất, tạo động lực cho đông đảo hội viên nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng./.

                                                                           

 

Chung Dũng/DIENBINETVT.VN

.