Nông thôn mới và những vấn đề phát sinh cần giải quyết

Thứ Hai, 15/04/2019, 16:33 [GMT+7]

Nông thôn mới đi vào thực chất và thực tế đã mang lại sự chuyển biến tích cực cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông thôn Đông Nam bộ.

Trong khi ở một số nơi khi xây dựng nông thôn mới đã chạy theo phong trào thì ở khu vực Đông Nam bộ, chương trình này đã coi trọng thực chất và thực tế đã mang lại sự chuyển biến tích cực cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông thôn. Tuy nhiên, vẫn nhiều vấn đề phát sinh tại đây cần giải quyết.
 

1
Nước sinh hoạt là một trong những tiêu chí mà xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc khó hoàn thành.



Tân Phú là một trong những huyện cuối cùng của tỉnh Đồng Nai hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Con đường nhựa Tà Lài dài khoảng 17km, nối trung tâm huyện Tân Phú với 6 xã vùng sâu, vùng xa của huyện này. Con đường ấy đã đáp ứng được tiêu chí về đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng thực tế còn đó những bất cập.

Một tuyến đường huyết mạch, dù là đường nhựa nhưng rộng chỉ khoảng 5m, gần đây được mở rộng nhưng chỉ một số đoạn. Trong khi đó, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng cao, đã xảy ra tình trạng quá tải, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Chưa kể, trên tuyến đường này vừa đón nhận một dự án nhà máy với 12.000 công nhân, nghĩa là lưu lượng người và xe đi trên tuyến đường sẽ còn tăng lên nữa.

Ông Phan Văn Thành, ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai nhận xét: Những bất cập đó cho thấy, không phải cứ đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, là đáp ứng được nhu cầu thực tế.

"Vừa rồi làm được nhiêu đó nhưng giờ lại chật rồi. Nên mở rộng, nhưng tính toán làm sao cho kỹ hơn. Thí dụ như 9m, hay 10m, ít nhất cũng phải sử dụng được vài ba chục năm, chứ đừng được độ 10 năm rồi mai mốt lại làm nữa, tổn hao tiền của của Nhà nước, mà của Nhà nước thì cũng là thuế má của nhân dân thôi", ông Thành nêu ý kiến.

Tại xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, hiện xã này đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu thực hiện 5 tiêu chí còn lại. Tuy nhiên, tiêu chí số 17 về đảm bảo nước sạch vệ sinh môi trường rất khó để hoàn thành.

Thuận Hòa nằm ở vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc với khoảng 1.800 hộ dân. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra từ nhiều năm nay. Bà con sử dụng giếng đào, giếng khoan, hoặc lọc nước từ những ao bàu để sử dụng, dĩ nhiên là kém vệ sinh. Muốn có nước sạch hơn, người dân ở xã phải mua nước từ các xe bồn với giá từ 80.000 đến 160.000 đồng/m3.
 

1
Xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận khó về đích nông thôn mới do thiếu kinh phí xây dựng hệ thống nước sạch.


Tương tự, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc cũng thiếu nước sinh hoạt. Riêng tại hai thôn Liêm An và Liêm Thuận còn 800 hộ nữa vẫn chưa có nước máy để sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc nhận định, đây là vấn đề khó khăn nổi lên trong quá trình thực hiện tiêu chí về nước sạch hợp vệ sinh.

“Để giải quyết vấn đề này, về phía huyện cũng vận động bà con sử dụng máy lọc, lọc nước ao, hồ giếng hợp vệ sinh để sử dụng sinh hoạt. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là kinh phí. Đòi hỏi phải có kinh phí từ cấp trên mới giải quyết được vấn đề này. Trung tâm nước sạch của tỉnh phải đầu tư, thiết kế, triển khai thì mới đáp ứng được, phủ sóng cho các vùng nói trên, đảm bảo tiêu chí 17 cho các xã này về đích nông thôn mới trong giai đoạn từ đây đến năm 2020", ông Thạch cho hay.

Còn ở Bà Rịa – Vũng Tàu, những bất cập nảy sinh lại nằm ở vấn đề hợp tác, liên kết trong sản xuất. Trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng được các địa phương dành nhiều nguồn lực đầu tư. Nhưng khi các các xã đã đạt được chuẩn nông thôn mới, tiêu chí này đòi hỏi phải nâng cao thì việc chuyển đổi tổ hợp tác sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã là điều vô cùng khó.
 
Xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong 6 xã điểm đầu tiên của Bà Rịa – Vũng Tàu được công nhận nông thôn mới từ năm 2015. Sau 5 năm các tiêu chí đã thay đổi theo hướng nâng cao trong đó có tiêu chí xây dựng hợp tác xã. Và tiêu chí này trở thành điểm khó khăn của địa phương.

Ông Trần Đình Ơn, Chủ tịch UBND xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Theo tiêu chí nâng cao thì địa phương đang thiếu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vì hiện nay mình thành lập rồi mà không hiệu quả. Địa phương đang có hướng cố gắng củng cố lại tổ hợp tác được chuyển giao theo công nghệ Viet GAP. Củng cố lại nhân sự, hướng dẫn nông dân phương án sản xuất để vay vốn theo nghị quyết HĐND tỉnh để trở thành quy mô lớn hơn”.
Loading...

Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn lên 33 xã, đạt 73,3%. Tỉnh đang tập trung thực hiện các chương trình, dự án về khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ khoa học công nghệ, đào tạo nghề, cho vay vốn sản xuất, chú trọng phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định nhằm làm tăng thu nhập và nâng cao đời sống người nông dân. Thế nhưng vấn đề về xây dựng hợp tác xã, liên kết trong sản xuất vẫn còn đó, và là thách thức của cả chính quyền và người dân trong nỗ lực đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng Nai, một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới, trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 năm 2008 của BCH Trung ương Đảng và kế hoạch của BCH Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng thắng thắn nhìn nhận nhiều vấn đề còn tồn tại trong xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, điểm dễ nhận thấy nhất là sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật bền vững, cơ cấu kinh tế ở các xã vùng sâu, vùng xa chuyển dịch chậm, chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch phát triển chưa mạnh; thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa ổn đỉnh, giải quyết đầu ra cho nông sản có thế mạnh còn hạn chế; hoạt động của hệ thống nhà văn hóa hiệu quả thấp, an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn còn tiểm ẩn phức tạp, nhất là các vùng có khu công nghiệp tập trung, các ngành dịch vụ phát triển…

Có thể nói, dù kết quả đạt được của chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang đến nhiều đổi thay mới mẻ cho bộ mặt nông thôn vùng Đông Nam bộ, thế nhưng những tồn tại, dù ít, dù nhiều vẫn sẽ là rào cản, thách thức cần vượt qua./.

Bài viết cùng loạt bài “Nông thôn mới không phải là cuộc chạy đua hình thức”

 

 

Theo VOV

.