Khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường
ĐiệnBiên TV - So với các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm là một trong những “nút thắt” khiến nhiều địa phương gặp khó trong việc tìm giải pháp hữu hiệu. Do đó, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tình trạng người dân vứt các loại rác thải sinh hoạt bừa bãi ra môi trường xung quanh như thế này là phổ biến ở các xã, bản vùng cao của huyện Mường Ảng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm là thế mạnh của nhiều xã trên địa bàn huyện, song nhiều hộ chăn nuôi theo kiểu thả rông, không chú trọng đến việc làm chuồng trại hợp vệ sinh, nếu có làm cũng chỉ trong tình trạng tạm bợ, che chắn đơn sơ.
Đáng lo ngại là các hộ dân vẫn còn nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, ngay cạnh ngồn nước sinh hoạt hàng ngày. Thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, nguồn nước sinh hoạt, môi trường sống của người dân.
Thói quen chăn nuôi gia súc thả rông và làm chuồng trại gần nhà, khiến tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM ở Mường Ảng khó hoàn thành. |
Ông Lò Văn Sáu, Bản Cha Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng cho biết: Dân bản ở đây thì cũng như nhà tôi thôi, gia súc, gia cầm vẫn chăn thả rông, cũng biết là mất vệ sinh, người dân cũng không mong muốn như thế song cũng không có điều kiện để làm tốt.
Mường Luân là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Điện Biên Đông. Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và người dân, đến nay xã đã đạt 15/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí số 17 về môi trường xã đã cơ bản đạt.
Song trên thực tế, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong dân vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ dân không thực hiện việc di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu vực nhà ở, thêm nữa, trên địa bàn xã chưa có khu xử lý rác thải tập trung, mà hầu hết là người dân tự đốt để thiêu huỷ, chất thải vẫn chưa được thu gom và xử lý theo quy định.
Bên cạnh yếu tố địa hình bị chia cắt, điều kiện kinh tế khó khăn thì, thói quen sinh hoạt cùng quan niệm lạc hậu trong đời sống của người dân nơi đây chính là yếu tố khiến địa phương không thể thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Hải Đăng, Bí thư Đảng uỷ xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông cho biết: Mặc dù đã được công nhận cơ bản đạt về tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, mặc dù vậy tình hình chung trên địa bàn thì ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là vệ sinh làng bản vẫn chưa đảm bảo, cảnh quan môi trường còn chưa xanh, sạch, đẹp, rác thải, phân gia súc vẫn còn chưa được thu gom, đây cũng là những khó khăn. Xã cũng thường xuyên tuyên truyền song ý thức của người dân vẫn chưa được nâng cao.
Thực tế thấy, các địa phương đều đưa ra giải pháp chung chung, chủ yếu là vận động, tuyên truyền người dân thực hiện vệ sinh môi trường mà chưa có biện pháp triệt để nào về vấn đề thu gom và xử lý chất thải, nước thải.
Thậm chí, có những ý kiến cho rằng: Nước thải chủ yếu được thẩm thấu qua hố đào bằng đất của từng hộ gia đình. Không có hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng, đa số các hộ dân sống rải rác nên nước thải không lớn và tự thẩm thấu nên việc thu gom nước thải và xử lý là chưa cần thiết.
Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, kể cả những xã đã hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì, việc duy trì tiêu chí về môi trường nông thôn là điều không hề dễ dàng.
Cùng với đó, việc quy hoạch đất xây dựng các nghĩa trang, nghĩa địa cũng khó khăn, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh và tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh còn thấp là những rào cản dẫn đến những khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường theo đúng lộ trình kế hoạch.
Người dân xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ thực hiện vệ sinh môi trường mà chưa có biện pháp triệt để nào về vấn đề thu gom và xử lý chất thải, nước thải. |
Ông Lò Văn Khan, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ cho biêt: Vấn đề môi trường nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bà con vẫn còn chăn thả gia súc, lợn, gà không có chuồng trại và không nuôi nhốt. Công trình vệ sinh thì bà con vẫn chưa tự giác làm công trình vệ sinh giêng. Tới đây từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới chúng tôi sẽ hỗ trợ cho dân từ 2 triệu đến 3 triệu đồng để bà con, các hộ gia đình đều có một công trình tự hoại để đảm bảo vệ sinh môi trường tốt hơn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 17/116 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường, song ngay cả những xã đã đạt tiêu chí số 17, thì trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Những bất cập trong thực hiện tiêu chí môi trường cho thấy tiêu chí này đang là “nút thắt” khó gỡ trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Điện Biên.
Điều cần thiết hiện nay là tìm ra những mô hình mẫu để áp dụng xử lý môi trường nông thôn phù hợp và mang lại hiệu quả bền vững. Mặt khác, giữ vững tiêu chí về môi trường cũng là điều phải quan tâm thực hiện đối với những xã đã được công nhận về đích nông thôn mới của tỉnh hiện nay./.
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN