Điện Biên tăng cường phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Hai, 25/02/2019, 18:40 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, Dịch tả lợn Châu phi đã xuất hiện ở 3 địa phương trong cả nước: Hưng Yên, Thái Bình và Hải Phòng. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, tỉnh đã đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống dịch.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Là tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào tỉnh thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Hiện tỉnh Điện Biên chưa phát hiện Dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn chúng tôi nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi vì: Điện Biên là tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, trong 2 lần kiểm tra đơn vị chưa phát hiện việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua lối mở A Pa Chải vào huyện Mường Nhé; trong thời gian vừa qua, nhất là dịp Tết nguyên đán và trong tương lai việc sử dụng thịt lợn, kể cả lợn giống từ các địa phương miền xuôi vào địa bàn là rất lớn, đây là nguy cơ lớn nếu các tỉnh miền xuôi mà không khống chế được dịch thì sẽ bùng phát dịch ở địa phương bất cứ lúc nào. Đây là khó khăn rất lớn đối với tỉnh.

x
Năm 2018, toàn tỉnh có trên 384.000 con lợn, tăng 0,23% so với năm trước

 

Năm 2018, toàn tỉnh có trên 384.000 con lợn, tăng 0,23% so với năm trước. Hiện Điện Biên chưa phát hiện bệnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào là rất cao; bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các khu vực biên giới và các huyện có chăn nuôi lợn với số lượng lớn; thông qua các hoạt động thương mại, du lịch với nhân dân các nước và đang có dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, vào cuối tháng 12/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3744/KH-UBND Hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Theo đó, Kế hoạch hành động bao gồm các biện pháp cụ thể, được xây dựng dựa trên 2 tình huống: Tình huống 1 chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh và tình huống 2 phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Đối với tình huống 1, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành có liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 7/9/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu phi"; tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn đặc biệt khu vực giáp biên, nơi tập trung chăn nuôi, lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán xét nghiệm đối với lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vận chuyển trái phép vào địa bàn tỉnh trước khi tiêu hủy; nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và dân cư khu vực biên giới; thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; cập nhật diễn biến bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Đối với tình huống 2, các huyện, thị xã, thành phố phát hiện có bệnh Dịch tả lợn Châu phi, địa phương thuộc phạm vi vùng dịch, vùng bị uy hiếp, vùng giám sát cần công bố dịch khi dịch bệnh xảy ra, tổ chức xử lý ổ dịch và chống dịch theo quy định của Luật Thú y; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định, văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; trường hợp ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ thì tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu phi trong vòng 24h kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu phi; đối với trang trại số lượng lợn lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dẫy chuồng có lợn bệnh, các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ, nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn bộ; kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm dưới sự giám sát của chính quyền địa phương; công bố hết dịch theo quy định của Luật Thú y, sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con bệnh cuối cùng mà không có con nào mắc bệnh, đồng thời đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch đảm bảo không còn mầm bệnh để phát sinh hoặc lây lan san nơi khác.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định và chủ động phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, người dân cần tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh; không buôn bán, vận chuyển lợn trái phép qua biên giới; không sử dụng các sản phẩm từ lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc./.

Thống kê của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, 20 quốc gia báo cáo bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2, có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn phải tiêu hủy.

 

Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN

.