Phê chuẩn CPTPP: Cơ hội hay thách thức cho lao động Việt Nam?
Tham gia Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường song cũng đặt ra thách thức về năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.
Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Hiệp định này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nước, song cũng sẽ đặt ra không ít những thách thức để vượt qua.
Về lĩnh vực lao động, việc làm, chia sẻ tại Tọa đàm về các cam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP do Bộ LĐ-TB-XH vừa tổ chức, ông Đào Quang Vinh, Viện Trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, sau khi được chính thức ký kết và đưa vào áp dụng, hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất trên thế giới, với thị trường lên tới khoảng 500 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và chiếm 15% tổng thương mại toàn cầu.
Ông Đào Quang Vinh, Viện Trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội đánh giá về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam ký CPTPP. |
CPTPP cũng hứa hẹn sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế và nhiều lợi ích xã hội, tạo ra từ 17.000-27.000 việc làm, tạo cơ hội mới cho cả người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống của người lao động, giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác giữa chính phủ và người dân các nước ký kết…
Song bên cạnh đó, việc ra nhập CPTPP cũng sẽ đặt ra những thách thức không hề nhỏ. Ông Đào Quang Vinh nhận định, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan sẽ khiến áp lực cạnh trạnh giữa các nước thành viên gia tăng, buộc các nước thành viên nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải chuyển đổi, tái cơ cấu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu không làm được những điều này, nhiều doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những nguy cơ thất bại trên chính thị trường nội địa. Hậu quả là nhiều lao động có thể bị mất việc và gia tăng chênh lệch giàu nghèo.
Cùng với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp sẽ phải đồng thời tăng khả năng cạnh tranh, tăng năng suất lao động, đòi hỏi người lao động phải được đào tạo những kỹ năng mới để thích ứng với những yêu cầu mới.
“Hiện nay đa số các lao động của Việt Nam chưa qua đào tạo. Các doanh nghiệp đang phải áp dụng khoa học công nghệ và đi theo xu hướng cắt giảm dần lao động, tự động hóa. Thách thức đặt ra là đào tạo nguồn lao động đáp ứng được những yêu cầu của thị trường và thực hiện các cam kết về việc trả lương, đóng BHXH cho người lao động…”, ông Vinh cho biết.
Từ những khảo sát thực tế tại doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Khoa học, lao động và xã hội cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự sẵn sàng, còn khá bị động trong việc tìm hiểu thông tin và tranh thủ các cơ hội mới từ thị trường lao động: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kế hoạch, chiến lược cụ thể để tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn chưa biết về các hiệp định này. Khi hỏi sâu, một số doanh nghiệp sản xuất trong thị trường nội địa cho rằng hiệp định này sẽ không ảnh hưởng nhiều, các doanh nghiệp xuất khẩu lại cho rằng chưa có tác động ngay nên vẫn chưa có những sự đầu tư nghiêm túc”.
Do đó, ông Đào Quang Vinh đánh giá, những thách thức có thể nằm trong chính nội tại bản thân doanh nghiệp và người lao động.
Đảm bảo quan hệ lao động
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng nhóm lao động Đoàn đàm phán CPTPP Việt Nam cho biết, tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu hướng không thể tránh khỏi khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng nhóm lao động Đoàn đàm phán CPTPP Việt Nam. |
“Các nội dung mang tính điều kiện gắn với nội dung thương mại, nếu anh không tuân thủ thì không được hưởng những ưu đãi về thuế suất”, ông Cường cho biết.
Lý giải về việc tại sao đưa nội dung cam kết lao động, ông Cường cho hay, theo quy định khi đàm phán và gia nhập các hiệp định, các nước sẽ không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp các tiêu chuẩn lao động.
Ông Cường cho biết, trong Hiệp định CPTPP Việt Nam cam kết cho phép người lao động được quyền thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở, doanh nghiệp hoạt động song song với tổ chức công đoàn đặt ra thách thức cho công đoàn Việt Nam về việc tập hợp, đoàn kết đoàn viên công đoàn. Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn.
Đánh giá thêm về quan hệ lao động, ông Cường cho rằng: “Quan hệ lao động của Việt Nam đã có bước chuyển và cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, nếu chúng ta xây dựng quan hệ lao động lành mạnh thì sẽ tốt cho cả người sử dụng lao động, người lao động và xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện những tranh chấp, bất đồng dẫn tới đình công. Tính từ năm 1995, khi Bộ Luật Lao động đầu tiên có hiệu lực, đã xảy ra khoảng trên 6.000 cuộc đình công. Đại đa số diễn ra một cách có tổ chức, lãnh đạo, nhưng điều đáng nói lại không phải công đoàn lãnh đạo. Với mô hình như hiện nay, tổ chức công đoàn chưa phát huy hết vai trò dẫn dắt lao động, đặc biệt là trong các doanh nghiệp FDI”.
Ông Cường cho rằng công đoàn cơ sở cần có những cải tiến để cải thiện quan hệ lao động. Đây cũng là những bài học để người sử dụng lao động cần xem xét lại và điều chỉnh theo hướng tạo ra quan hệ lao động hài hòa hơn./.
Theo Nguyễn Trang/VOV