Điện Biên

Trăn trở trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Sá Tổng

Thứ Sáu, 24/08/2018, 14:54 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sá Tổng là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Trong những năm gần đây, mặc dù được sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo của xã không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên
 
Theo sự hướng dẫn của cán bộ Lao động Thương binh & Xã hội xã Sá Tổng, chúng tôi tìm đến hộ gia đình anh Sùng A Dia, năm nay anh 33 tuổi và vợ là chị Giàng Thị Mò 32 tuổi, ở bản Sá Ninh. Không dấu diếm chúng tôi, Sùng A Dia chia sẻ: Khi học hết bậc Trung học Cơ sở, anh cũng muốn lên trung tâm huyện để học TH phổ thông.

Nhưng vì thương bố mẹ và hoàn cảnh nhà nghèo đông em mà anh phải gác lại chuyện học hành, đành ở nhà làm nương rẫy giúp đỡ bố mẹ! Năm 2004, Sùng A Dia xây dựng gia đình với chị Giàng Thị Mò. Khi ra ở riêng được bố mẹ cho một con trâu, một con dê và một con lợn giống. Hơn 14 năm qua, đôi vợ chồng trẻ Sùng A Dia lăn lộn đủ mọi nghề để kiếm sống, khai hoang được hơn 1 ngàn m2 ruộng nước bậc thang 1 vụ và trồng được gần 500m2 cỏ voi trên nương rẫy lởm chởm đá tai mèo để chăn nuôi trâu bò.

1
Gia cảnh khó khăn của gia đình anh Sùng A Dia ở bản Sá Ninh, xã Sá Tổng huyện Mường Chà

 

Cũng trong 14 năm đó, vợ chồng anh chị đã sinh hạ được 4 đứa con. Bốn đứa con đều đang theo học Tiểu học và THCS tại xã. Hàng năm, sau khi thu hoạch mùa màng trên nương rẫy xong, anh Sùng A Dia tranh thủ đi làm thuê ở các huyện khác trong tỉnh để kiếm thêm tiền gửi về cho gia đình.

Muốn phát triển chăn nuôi, nhưng gia đình không làm sao có được nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi đại gia súc. Mặc dù hai vợ chồng lao động quần quật từ sáng sớm cho đến đêm khuya, mong muốn cho các con có đủ ngày hai bữa cơm no để đến trường; dựng cất một ngôi nhà mới khang trang hơn để mưa gió không bị dột ướt, mùa đông không bị lạnh, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ dai dẳng đeo bám không buông tha gia đình anh Dia nhiều năm nay.
 
Đồng cảnh ngộ với hộ gia đình anh Sùng A Dia là hộ gia đình anh Hờ A Cá  30 tuổi, ở bản Chông Ghênh. Trong căn nhà đơn sơ tềnh toàng đến khó tin lại có đến 7 nhân khẩu cùng sinh sống trong ngôi nhà này.  Nên duyên vợ chồng từ thủa 20, chưa đầy 10 năm sau, gia đình trẻ Hờ A Cá - Giàng Thị Hùa đã có với nhau đến 5 mặt con trứng gà trứng vịt, con gái lớn của anh chị 8 tuổi học lớp 2, ngoài những buổi đi học trên lớp, thời gian ở nhà cháu đã phải đi chăn trâu thuê để kiếm tiền giúp bố mẹ; còn cậu con trai thứ 5 thì mới sinh được 4 ngày. Mấy thửa ruộng bậc thang của vợ chồng anh Hờ A Cá mỗi năm chỉ được có một vụ lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.

Năm nào được mùa thì được khoảng 20 bao thóc, còn năm nào thời tiết không thuận thu chưa được 10 bao thóc. Cuộc sống của gia đình vợ chồng trẻ anh Hờ A Cá gặp không ít khó khăn, luôn thiếu trước hụt sau, mỗi năm thường thiếu ăn đến 6 tháng. Thường thì mỗi một năm sau khi làm xong công việc đồng áng, nương rẫy, thì có đến 6 tháng là thời gian nhàn rỗi không có việc làm. Để kiếm tiền nuôi sống gia đình, anh Hờ A Cá đã phải rời bỏ quên hương để vào Đắc Nông đi làm thuê, làm mướn, nhưng thu nhập từ đi xa làm thuê thu hái, chăm sóc cà phê cũng chẳng đáng là bao.

1
Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây


Theo số liệu thống kê của UBND xã Sá Tổng, toàn xã có hơn 810 hộ với trên 5 ngàn nhân khẩu, sinh sống ở 10 bản, thì có đến gần 610 hộ nghèo, chiếm 75%. Điều đáng nói là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Đi sâu tìm hiểu chúng tôi được biết: Sá Tổng là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà, có địa hình núi cao cách trở, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều. Lương thực bình quân đầu người của xã đạt thấp, chưa đầy 300 kg/ người/năm.

Toàn xã có hơn 180 ha ruộng bậc thang một vụ, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời, năng suất lúa nước thấp lại rất bấp bênh; lúa nương 435 ha; ngô nương 450 ha; đậu tương 120 ha; sắn 45 ha. Diện tích tự nhiên của Sá Tổng toàn là đồi núi đá, nương rẫy bị bạc màu rửa trôi, thiếu nước sản xuất nông nghiệp, thiếu nước sinh hoạt.

Xã có duy nhất một công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước ở bản Đờ Rê, phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng 12 ha ruộng nước của bản. Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, cùng với sự khắc nghiệt biến đổi bất lợi của thời tiết, làm cho cuộc sống sinh hoạt của người dân ở đây vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Hiện nay, đang vào cao điểm mùa mưa lũ, nhưng nhiều hộ dân của của bản Chông Ghênh vẫn phải rồng rắn mang can, gùi, thùng nhựa ra tận trung tâm trụ sở UBND xã hơn 2 km để cõng nước về phục vụ sinh hoạt gia đình và chăn nuôi gia súc.

Mấy năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Cụ thể như đã nâng cấp đổ bê tông tuyến đường từ Quốc lộ 6 vào Trung tâm xã dài hơn 7,5Km, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại giao thương hàng hóa; làm mới hơn 3,5 km đường bê tông nông thôn mới tại các thôn bản; đầu tư xây dựng nhà Văn hóa thôn bản, Trung tâm y tế, Trụ sở làm việc của HĐND-UBND xã; đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy.v.v...

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư của huyện và các chương trình, dự án cũng đã có nhiều chương trình tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kĩ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cho các hộ dân trong xã. Đồng thời, hỗ trợ Nhân dân trong xã nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; hỗ trợ hàng ngàn con dê, gà, lợn giống, cây ăn quả.v.v…

Các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo bền vững đã giúp cho một bộ phận người dân trong xã nâng cao được nhận thức, tự giác thay đổi được cách nghĩ, cách làm nên đời sống bước đầu đã được cải thiện. Tuy nhiên, thực trạng chung ở Sá Tổng là: Khi kết thúc các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn xã thì, dự án cũng về luôn theo chân cán bộ, hầu hết các hộ dân lại quay lại với phương thức trồng trọt và chăn nuôi lạc hậu xưa cũ!
 
Trong nhiều năm qua, mục tiêu xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Những chính sách để giảm nghèo đã tác động trực tiếp tới các vùng, địa bàn và tới từng hộ dân ở các xã nghèo vùng cao dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn như xã Sá Tổng nói riêng, huyện Mường Chà nói chung.

Tuy nhiên, để giảm nghèo một cách bền vững, đặc biệt là giảm bớt sự chênh lệch quá lớn giữa cái nghèo ở địa bàn các xã vùng sâu vùng xa, thì cần phải có những giải pháp căn cơ, thiết thực hơn. Nên chăng cần tập trung ưu tiên cho chính sách giáo dục, dạy nghề, nâng cao dân trí. Ông cha ta có câu: “Cho cái cần câu thay vì cho con cá”.

1
Tỷ lệ hộ nghèo ở xã Sá Tổng huyện Mường Chà còn cao chiếm 75%.

 

Đầu tư cho giáo dục, dạy nghề, nâng cao dân trí ở các xã có nhiều hộ nghèo chính là trao cái cần câu cho người dân. Một khi người dân có nhận thức, có kiến thức thì họ sẽ biết làm gì trên luống cày của mình. Mặt khác, Nhà nước cần tăng cường đầu tư xây dựng giao thông nông thôn và kết cấu hạ tầng khác đồng bộ. Người nông dân mong muốn và có ước nguyện làm giàu trên mảnh đất của mình, tuy nhiên họ cần được hỗ trợ về chính sách vay vốn.

Với lãi suất ưu đãi, hợp lý, vốn được xem như một cú hích như sự cứu cánh cho những ước mơ đích thực của người nông dân muốn tự mình vươn lên thoát nghèo. Người xưa có câu: Có bột mới gột nên hồ, vốn chính là bột cho người nông dân gột lên sản phẩm của mình. Khi đã có vốn lại được cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ, cùng với bàn tay, khối óc, sự khao khát vươn lên thoát nghèo của người nông dân, hy vọng rằng sẽ giải quyết được bài toán xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, của các cấp chính quyền địa phương mới chỉ là yếu tố cần, điều quan trọng nhất chính là sự tự lực, tự cường vươn lên của mỗi hộ dân - đó mới là yếu tố mang tính quyết định để xã Sá Tổng - một xã nghèo của huyện Mường Chà nói riêng và các xã nghèo trên địa bàn tỉnh ta nói chung -  thoát nghèo một cách bền vững./.
                                                                

 

 

Quang Phong – Nguyễn Tuấn/DIENBIENTV.VN

.