Tìm giải pháp chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em
Điện Biên TV - Thời gian gần đây, các cấp, các ngành trong tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm hơn cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Nhiều kế hoạch, văn bản liên ngành về công tác trẻ em được ký kết, được phối hợp triển khai thực hiện; nhiều công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thiết bị vui chơi cho trẻ em được đầu tư. Tuy nhiên, bạo lực thân thể trẻ em vẫn còn xảy ra phổ biến tại một số huyện với 47,1%.
Điện Biên là một trong những tỉnh nghèo trong cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù vậy với sự cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ, các gia đình và toàn xã hội đã tạo mọi điều kiện để đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em từng bước được cải thiện và nâng cao
Các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em được quan tâm hơn trước, đặc biệt là các chỉ tiêu về giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Cụ thể, tỷ lệ nhà trẻ ra lớp đạt gần 40%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt gần 99%; 100% trẻ em có thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 93,2%; tỷ lệ trẻ em đã đăng ký khai sinh đạt trên 98%.
Vở kịch "Về đâu ngôi vị thủ lĩnh của em” được trình diễn tại sự kiện "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - cần bạn, cần tôi, cần cả thể giới" |
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, toàn tỉnh vẫn còn một số mục tiêu về bảo vệ trẻ em chưa đạt như: Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi vẫn còn cao so với toàn quốc; thiếu các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; công tác bảo vệ trẻ em ở một số địa phương tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn cao, vẫn còn tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng, trẻ chưa được đăng ký khai sinh, trẻ bị xâm hại, mua bán, bị ảnh hưởng bởi bạo lực.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ năm 2012 đến tháng 6 năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra trên 40 vụ xâm hại trẻ em, lực lượng chức năng đã điều tra bắt giữ 62 đối tượng với 46 em bị xâm hại. Hiện vẫn chưa ghi nhận các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng tại trường học.
Cũng theo khảo sát của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam tại các huyện: Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Chà, Tuần Giáo cho thấy, tỷ lệ trẻ vị thành niên báo cáo đã từng trải qua bất kỳ loại hình thức bạo lực thân thể nào trong 12 tháng qua tại Điện Biên là 47,1% .
Với mục tiêu hướng tới là đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em được quy định tại Luật trẻ em; mọi trẻ em sinh ra đều được đăng ký khai sinh, được chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, được ăn đủ no, mặc đủ ấm, được đến trường đúng độ tuổi; được hỗ trợ kịp thời khi bị xâm hại, bạo lực, đặc biệt được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh. Đồng chí Lê Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để trẻ em được sống trong môi trường tốt nhất, được hưởng các dịch vụ tốt nhất về giáo dục, y tế, an sinh xã hội để cho trẻ em Điện Biên ngày càng phát triển tốt hơn.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh nên đưa các tiêu chí gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình vào trong quy ước thôn, phố, bản. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng chống bạo lực trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học; xây dựng mô hình, địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực tại cộng đồng.
Cùng với đó là huy động sức mạnh của toàn dân đối với công tác bảo vệ trẻ em, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, chung tay xây dựng cho trẻ em một môi trường sống an toàn - không bạo lực, không xâm hại, để trẻ được học tập, vui chơi, phát triển năng khiếu phấn đấu trở thành những chủ nhân tương lai góp phần xây dựng tỉnh Điện Biên nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Diệp Xuân/Dienbientv.vn