Điện Biên

Chuẩn nghèo đa chiều cơ hội cho công tác xóa đói giảm nghèo bền vững

Thứ Tư, 01/08/2018, 16:34 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, các hộ nghèo có cơ hội tiếp cận đầy đủ hơn với các loại dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, việc chuyển đổi tiêu chí nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đã đặt ra không ít thách thức cho các địa phương trong thực hiện bền vững các chính sách giảm nghèo.

Theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, cách tiếp cận hộ nghèo có sự thay đổi từ đơn chiều (tiêu chí về thu nhập) sang đa chiều (cả về thu nhập và sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin). Điều này dẫn đến tỷ lệ hộ tái nghèo có chiều hướng tăng cao.

Tại huyện Mường Nhé, theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, kết quả điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện chiếm 72%, tăng 18% so với chuẩn nghèo đơn chiều cuối năm 2015.

1
Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện Mường Nhé chiếm 72%, tăng 18% so với chuẩn nghèo đơn chiều cuối năm 2015.

 
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, hộ nghèo khu vực nông thôn có mức thu nhập dưới 1,1 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời đánh giá mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thông tin. Điều này giúp cho việc đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo rõ ràng, toàn diện hơn. Tuy nhiên, sẽ là một thách thức cực lớn với quá trình phát triển khi số hộ nghèo tăng đột biến.

Theo số liệu điều tra mới đây, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé có tỷ lệ hộ nghèo là 80%, tăng 6% so với chuẩn nghèo đơn chiều tính đến năm 2015. Ông Sừng Sừng Khai, Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn cho biết: Trước đây, chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền. Nếu người có thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo, thì được đánh giá thuộc diện hộ nghèo.

Còn hiện nay, thực hiện  theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn. Qua điều tra đã xảy ra tình trạng một số hộ đang nghèo lại trở thành cận nghèo hoặc thoát nghèo và ngược lại. Và đặc biệt đối với các xã miền núi, biên giới nhiều yếu tố trong giảm nghèo đa chiều khiến các địa phương này gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện cơ sở hạ tầng ở đây chưa đồng bộ, thói quen, tập quán, nhận thức còn thấp, việc tiếp cận thông tin đại chúng còn thiếu, nhà ở theo tiêu chuẩn 3 cứng cũng chưa đạt, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tăng. Ông cũng khẳng định, việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều sẽ giúp địa phương xóa nghèo ngày càng bền vững.
 
Việc xác định nghèo theo chuẩn đa chiều sẽ tạo ra thêm nhiều thách thức mới cho công tác xóa đói giảm nghèo, nhưng đó cũng là những cơ hội để ngành chuyên môn nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, từ đó có thêm nhiều giải pháp và cách tiếp cận để thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo một cách thực chất và bền vững.

Sen Thượng là xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện 30a Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Xã cách trung tâm huyện khoảng 50km. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao lên tới 86% vào năm 2015, khi đó xã Sen Thượng mới thành lập được 2 năm, đến nay với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt, nhiều hộ nghèo trong xã đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Theo cách tiếp cận đa chiều trong giai đoạn mới, Sen Thượng đang nỗ lực giúp Nhân dân thoát khỏi cái nghèo về thu nhập và những thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản.

Cơn mưa đầu mùa hạ có phần khiến đường đi trơn trượt, khó khăn hơn. Tuy nhiên, diện mạo bây giờ ở Sen Thượng đã hoàn toàn thay đổi. Những con đường giao thông liên xã, liên bản đã được bê tông hóa rộng rãi, bên đường là những ngôi nhà gỗ mái tôn, proximăng được xây dựng kiên cố, những công trình điện lưới, thủy lợi, nước sinh hoạt, được đầu tư đến từng thôn, bản và những ngôi trường mái ngói đỏ tươi được xây khang trang, bề thế.

Ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng khẳng định: Các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân xã Sen Thượng những gì người dân thiếu hụt, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội và điều kiện vươn lên thoát nghèo, chỉ có đầu tư về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, như vậy mới có thể thúc đẩy những vùng khó khăn nhất như Sen Thượng phát triển được toàn diện các lĩnh vực, văn hóa, giáo dục, y tế.

Những con đường liên thôn, liên xã được đầu tư xây dựng đã giúp bà con phát triển được giao thương, giúp trẻ em không còn ngại đến trường, người nghèo đã được khám chữa bệnh, dùng nước sạch, có điện để thắp sáng, nghe đài, xem ti vi, tiếp cận với những kiến thức, thông tin, văn hóa của đời sống xã hội hiện đại. Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến năm 2017, chương trình 30a đã giúp xã cơ bản hoàn thành các tuyến đường đến trung tâm xã, 100% thôn, bản có đường giao thông đến trung tâm xã. Đó là một kết quả đang phấn khởi, nhất là đến năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 76%.

1
Tiêu chí thiếu hụt cao nhất của hộ nghèo huyện Mường Nhé là tiêu chí nhà vệ sinh  trên 79%

 
Theo kết quả điều tra mới đây, tiêu chí thiếu hụt cao nhất của hộ nghèo huyện Mường Nhé là tiêu chí nhà vệ sinh là trên 79%; tiêu chí thiếu hụt về nhà ở gồm: Chất lượng nhà ở là trên 44%, diện tích nhà ở là trên 63%; mức thiếu hụt trình độ giáo dục của người lớn là trên 63%. Và các tiêu chí còn lại bao gồm: Tiếp cận dịch vụ y tế, tình trạng đi học của trẻ em, sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản tiếp cận thông tin chiếm từ trên 1 đến 10%.
 
Bên cạnh những thách thức nói trên, việc chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo theo cách tiếp cận đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn với nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó tạo cơ hội để các địa phương trong cả nước thực hiện bền vững hơn các chính sách giảm nghèo.

Là tỉnh có điểm xuất phát về kinh tế thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh nhìn chung còn yếu kém, chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đồng đều theo vùng và cơ cấu không hợp lý; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao và không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 là 44,84%).

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, sự ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ của các Tập đoàn, Tổng công ty và một số tỉnh, thành phố trong nước, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân đã từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng, hiệu quả các hoạt động được nâng lên; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững; đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Các chính sách an sinh xã hội cơ bản đáp ứng khá toàn diện trên các mặt giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin và truyền thông, góp phần quan trọng nâng cao mức sống, thu nhập, ổn định đời sống cho Nhân dân. Đến năm 2018 có trên 469 nghìn người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, thân nhân người có công được cấp thẻ BHYT

Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và xóa mù chữ mức độ 1; 01 đơn vị hành chính cấp huyện và 56 đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 92/130 xã, phường, thị trấn và 3/10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 14/130 xã, phường, thị trấn và 1/10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 8.000 hộ nghèo được hỗ trợ thiết bị xem truyền hình số.

Trong 2 năm 2016 và 2017, từ nguồn vốn Nghị quyết 30a, Chương trình 135CP và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Điện Biên đã đầu tư trên 1000 tỷ đồng, xây dựng hạ tầng cơ sở như: Điện, đường, trường học, trạm y tế; hỗ trợ sinh kế, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đến năm 2017, toàn tỉnh có 09/116 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Thanh Chăn, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng; xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ); 05/116 xã cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí (các xã: Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Xương, Pom Lót huyện Điện Biên; xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay). Các xã còn lại có 11/116 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; có 55/116 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; còn 41/116 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân đạt/xã  6,7 tiêu chí/xã. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa đói giảm nghèo. Đến năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn trên 41%, giảm hơn 3% so với năm 2016.

1
Đến năm 2018 có trên 469 nghìn người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, thân nhân người có công được cấp thẻ BHYT

 
Để đảm bảo thực hiện các chính sách giảm nghèo đa chiều bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3 đến 5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, Điện Biên đã xây dựng các giải pháp đồng bộ, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đặt ra nhiều giải pháp quan trọng  

Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giảm nghèo bền vững ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
 
Các tiêu chí trong Quyết định 59 của Chính phủ về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020  đòi hỏi  toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực và phải đảm bảo các yếu tố như: Giáo dục, y tế, điều kiện sống về nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, thông tin. Trong khi đó áp dụng các  yếu tố này nhiều địa phương trong tỉnh  còn thiếu và yếu. Vì thế, các địa phương cần có những bước đi, giải pháp phù hợp để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững theo lộ trình đã đề ra./.

                                                       

 

 

Trần Sơn – Duy Hưng/Dienbientv.vn

.