Điện Biên

Mường Nhé đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ Bảy, 28/07/2018, 15:35 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, do đó hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, của huyện Mường Nhé rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật. Để nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đã được các cơ quan, phòng, ban chức năng phối hợp với các cấp chính quyền huyện Mường Nhé quan tâm và đẩy mạnh.

Ngay từ đầu năm 2018, Phòng Tư pháp huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Với phương châm: đối tượng nào, hình thức đó; để nội dung tuyên truyền dễ hiểu, gần gũi với nhân dân, nhiều biện pháp cụ thể đã được áp dụng trên thực tiễn như: Hòa giải ở cơ sở; trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật; cung cấp miễn phí thông tin

Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa truyền thống, trong các buổi họp dân, sinh hoạt đoàn thể.v.v... Ngoài ra, công tác tuyên truyền GDPL còn thông qua đội ngũ báo cáo viên từ huyện đến các xã; các nhóm nòng cốt, với sự tham gia của bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, công an viên cùng đại diện các đoàn thể Nhân dân.

1
Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tại Xã Nậm Kè huyện Mường Nhé

 
Xã Nậm Kè có trên 65% dân số là dân tộc Mông, việc tiếp cận và nhận thức của đồng bào đối về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, chính quyền xã chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Nậm Kè tổ chức tuyên truyền pháp luật tới người dân bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền  tại các buổi họp bản; tuyên truyền cá biệt; lồng ghép trong hoạt động của các tổ chức đoàn thể.v.v.. Từ đầu năm 2018 đến nay, xã đã tổ chức được 24 buổi tuyên truyền pháp luật tới các bản.
 
Những năm trước đây, phụ nữ dân tộc ít khi được tiếp cận với các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trước tình hình đó, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến hội viên phụ nữ, với nhiều hình thức như: Tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn nghệ.v.v... Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Phòng Tư pháp, Chi nhánh Trợ giúp Pháp lý huyện để chủ động tuyên truyền pháp luật tới chị em và các tầng lớp nhân dân ở các xã bản vùng xa, vùng biên giới.
 
Việc tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục cho bà con ở các bản, khu dân cư vùng sâu vùng xa đã khó, việc truyền đạt nội dung sao cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ còn khó hơn. Ngoài việc lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, thì nội dung tuyên truyền cũng phải được lựa chọn sao cho phù hợp.

1
Huyện Mường Nhé đã thành lập được gần 120 tổ hòa giải, với 560 hòa giải viên, tại đều khắp ở các xã, bản và tổ dân cư trên địa bàn.

 

Những nội dung cụ thể được chú trọng phổ biến như: Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Biên giới; Luật Phòng chống ma túy; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật cư trú; Đề án 79 về sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn huyện; các chủ trương, chính sách của Đảng - Chính phủ và của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cũng không ngừng được đổi mới, ngày càng đa dạng và phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế.
 
Để công tác phổ biến giáo dục pháp luật thực sự mang lại hiệu quả, Mường Nhé tập trung vào công tác tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò của Hiến pháp, nguyên tắc thượng tôn PL, đối với mỗi người và trong đời sống xã hội. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc huyện và các xã tập trung phổ biến giáo dục pháp luật và triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới thuộc lĩnh vực được giao quản lý

Chú trọng phổ biến các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người dân trên địa bàn huyện. Đầu năm 2018, Hội đồng Phổ biến - Giáo dục PL huyện đã tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến luật Hình sự năm 2015; Luật Bồi thường của Nhà nước; Luật Tiếp cận thông tin, cho hơn 100 lượt người. Đồng thời, tuyên truyền tại các xã được 95 buổi, với gần 7.500 lượt người nghe.

Hiện nay, huyện Mường Nhé đã thành lập được gần 120 tổ hòa giải, với 560 hòa giải viên, tại đều khắp ở các xã, bản và tổ dân cư. Trong 6 tháng đầu năm, các tổ hòa giải ở cơ sở đã nhận được hơn 70 đơn; trong đó, đã hòa giải được 60 vụ việc và đang giải quyết hơn 10 trường hợp.

Công tác hòa giải đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư; kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần bảo đảm trật tự an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, đã giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án, hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Hiện nay, huyện Mường Nhé đã xây dựng được hơn 10 tủ sách pháp luật, với các loại sách phổ biến nội dung các bộ luật và sách về khuyến nông, các tủ sách này đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân trên địa bàn.
 
Phát huy những kết quả đạt được, Mường Nhé tiếp xác định: Cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, bản tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhằm tăng cường và bảo đảm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng hiệu quả. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho KT - XH phát triển; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững./.


 

 

Hoàng Hảo - Trọng Lâm/Dienbientv.vn

.