Có nên "thiến hóa học" những kẻ xâm hại tình dục trẻ em?

Thứ Ba, 07/08/2018, 07:46 [GMT+7]

Trước những con số rùng mình về các vụ xâm hại trẻ em, một số ý kiến đề xuất nên thực hiện "thiến hóa học" các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em.
 
Đây là nội dung được đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức hôm nay (6/8).

Theo báo cáo của Bộ Công an, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, cả nước đã phát hiện 682 vụ, 795 đối tượng, xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ chiếm 84% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
 

1
Toàn cảnh hội thảo.


Các hành vi bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em chủ yếu ở các tội danh như giết trẻ em, cố ý gây thương tích cho trẻ em, hành hạ, ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em… Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, trong gia đình, ngoài xã hội, trong nhà trường.

Còn theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý do đó, con số nêu trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao là 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.

Phân tích những hạn chế dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, công tác trẻ em còn gặp nhiều khó khăn bởi các nguyên nhân, như: Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được quan tâm; công tác giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, kịp thời, thường xuyên, hiệu quả...

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, môi trường thông tin và mạng xã hội có nhiều sản phẩm độc hại. Bên cạnh đó, sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa, biến chất về lối sống của một nhóm xã hội làm gia tăng tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em.

"Nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ, sao nhãng và thiếu kiến thức, kỹ năng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Để khắc phục điều này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ như: Tăng cường việc thực thi pháp luật, chính sách về trẻ em, bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ; phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em và tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục...

Đề xuất thiến hóa học

Đưa ra ý kiến tại hội thảo, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, để xảy ra những tình trạng trên một phần do luật pháp chưa đủ tính răn đe, vẫn còn những kẽ hở.

Theo LS. Nữ, tại điều 147 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định khi nhận được tin tố giác, tin báo từ tội phạm thì cơ quan điều tra xác minh, giải quyết. Thời hạn giải quyết tố giác tin báo về tội phạm là 20 ngày, tối đa 4 tháng kể từ thời gian gia hạn. Trên cơ sở xác minh có thể ban hành quyết định khởi tố hình sự.

Tuy nhiên, LS. Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, việc quy định thời gian điều tra từ khi có tin tố giác là 4 tháng nên cơ quan điều tra đã để cho vụ án kéo dài quá lâu. Vì vậy, khi tiến hành xác minh điều tra lại khó thu thập chứng cứ.

“Công an lấy lời khai nhiều lần, nhiều thời điểm khác nhau, trong khi các em tuổi còn nhỏ nên qua thời gian không thể nhớ nhất quán về vụ việc xảy ra. Vì vậy, công an cho rằng lời khai của bị hại không có căn cứ”, luật sư nói.

Luật sư Nữ lấy ví dụ vụ án xảy ra ở Bình Chánh (TP HCM), hai em gái sinh đôi 5 tuổi bị hàng xóm hiếp dâm. Ở đây, cơ quan công an mời hai cháu lên lấy lời khai nhiều lần, mỗi lần lấy lời khai thì yêu cầu hai cháu kể lại diễn biến vụ việc xảy ra như thế nào. Vì hai cháu không thể nhớ chính xác, rõ ràng nên lời khai khác nhau. Từ đó, cơ quan công an cho rằng lời khai bị hại bất nhất nên không hề có xảy ra việc phạm tội.

Từ đó, luật sư này cho rằng, trong Luật Tố tụng Hình sự cần có quy định về số lần, cách thức lấy lời khai bị hại là trẻ em, tránh trường hợp lấy lời khai nhiều lần trong việc giám định để thu thập chứng cứ đối với các tội xâm hại trẻ em.

Về mức phạt, nữ luật sư cho rằng cần tăng thêm hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em tại các điều 142, 144, 145, 146 của Bộ Luật hình sự 2015 đã sửa đổi bổ sung 2017.

“Đối với tội danh cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em cần bổ sung thêm hình phạt thiến hóa học. Đối với tội phạm này, cần có chế tài xử lý nghiêm ngặt hơn quy định hiện hành”, LS Nữ nói.

Bên cạnh đó, Luật sư Nữ cho biết, nhiều quốc gia đã gắn chíp quản lý các đối tượng sau khi mãn hạn tù. Nên chăng, chúng ta cần áp dụng một số biện pháp quản lý tội phạm 24/24h, như gắn chíp điện tử, vòng đeo để người dân nhận diện khi tiếp xúc .

Hiện nay, trong bối cảnh công nghệ 4.0 bùng nổ nên có thể ứng dụng công nghệ giám sát khi được mãn hạn tù. Có như vậy, mới tăng tính răn đe, phòng ngừa cao và hạn chế việc xâm hại tình dục trẻ em. /.

 

 

Theo VOV

.