Mường Ảng chủ động trong phòng chống thiên tai mưa lũ

Thứ Bảy, 28/07/2018, 15:36 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Mường Ảng đã chủ động triển khai các giải pháp trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, với phương châm 4 tại chỗ đó là: “Chỉ huy tại chỗ - Lực lượng tại chỗ - Phương tiện, vật tư tại chỗ - Hậu cần tại chỗ” và 3 sẵn sàng đó là: “Phòng ngừa chủ động - Ứng phó kịp thời - Khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. 

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mường Ảng, năm 2017 mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống nhưng thiên tai vẫn gây thiệt hại nặng nề. Mưa lũ đã làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, lúa, hoa mầu và nhà cửa của người dân. Mưa lũ đã làm 1 người chết, gần 200 ha lúa, hoa mầu của người dân bị vùi lấp, mất trắng, hơn 120m kè thuỷ lợi bị sạt quấn trôi, gần 300m đường hư hỏng sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Tổng thiệt hại mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện trong năm 2017 gần 16 tỷ đồng.

1
Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do biến đổi khí hậu nên thời tiết năm 2018 tiếp tục có diễn biến cực đoan, bất thường

 

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mường Ảng cho rằng: Ngoài yếu tố cực đoan, bất thường của thời tiết, một số người dân và chính quyền cấp cơ sở còn chủ quan trong việc ứng phó; một số địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai còn sơ sài, hình thức, chưa thể hiện đầy đủ phương châm “4 tại chỗ”. Các tiểu ban được phân công phụ trách các xã, đơn vị chưa chủ động kiểm tra, nắm bắt tổng hợp tình hình nên chưa kịp thời chỉ đạo xử lý khi xảy ra sự cố, thiên tai.
 
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do biến đổi khí hậu nên thời tiết năm 2018 tiếp tục có diễn biến cực đoan, bất thường. Các loại hình thiên tai như: Mưa lũ, dông lốc đều có thể xảy ra với quy mô lớn hơn trung bình nhiều năm về tần suất và cường độ. Để bảo đảm an toàn về người và tài sản, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Mường Ảng, đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017; đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách lĩnh vực và địa bàn cụ thể.

Các đơn vị, địa phương phải xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, sát thực tế; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, thuốc men, lương thực theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh nhiệm vụ trên, huyện cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống thiên tai ngay tại gia đình và tích cực tham gia nhiệm vụ phòng, chống thiên tai của địa phương.

Huyện Mường Ảng cũng yêu cầu các xã, thị trấn kiểm tra các phương án huy động, bố trí nhân lực, vật tư và phương tiện hộ đê, phòng chống thiên tai; xác định cụ thể về số lượng, chủng loại, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai để có kế hoạch bổ sung bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng khi huy động; kiểm tra, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn, xây dựng phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi thiên tai xảy ra; tổ chức dự trữ lương thực, thuốc men, cây, con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ, bảo đảm đời sống Nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai.

1
Huyện Mường Ảng bố trí nhân lực, vật tư và phương tiện hộ đê, gia cố sửa chữa nơi hỏng nhằm thiệt hại mức thấp nhất do mưa lũ gây ra

 
Thực tế hiện nay, với lực lượng và phương tiện hiện có, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Mường Ảng chỉ đủ khả năng xử lý có hiệu quả các tình huống thiên tai vừa và nhỏ. Đối với thiên tai trên diện rộng, tính chất phức tạp, do đặc điểm địa bàn đồi núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu; trình độ nhận thức của người dân chưa cao gây khó khăn cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Huyện đã đề nghị Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh cấp bổ sung trang thiết bị như: Máy bộ đàm, máy phát điện công xuất nhỏ phục vụ tại hiện trường; cấp phao tròn, áo phao cho ban chỉ huy PCLB & TKCN cấp xã; đề nghị Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở NN & PTNT bố trí kinh phí và tổ chức tập huấn công tác phòng chống lũ quét, giảm nhẹ thiên tai cho người dân, đặc biệt là người dân tại những địa bàn có nguy cơ cao về lũ quét; bổ sung kinh phí để di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở, sụt lún đến nơi an toàn.

Với tư tưởng chỉ đạo "Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hiệu quả", trong đó lấy phương châm chủ động phòng tránh là chính, Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện Mường Ảng đã hỗ trợ gần 300 rọ thép cho các xã, thị trấn để ra cố các điểm sung yếu hay bị sạt lở với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi.
 
Với kinh nghiệm thực tế ứng phó với mưa lũ đã xảy ra tại địa phương, việc nâng cao nhận thức cho Nhân dân để chủ động trong công tác phòng, chống mưa lũ, thiên tai được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ông Lù Văn Cường, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Là cơ quan Thường trực Ban PCTT&TKCN huyện đã tham mưu cho UBND huyện và Ban Thường trực xây dựng kế hoạch dự phòng.

Thực tế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã hứng chịu nhiều đợt mưa đá, gió lốc để lại thiệt hại khá lớn trong nhiều năm trở lại đây. Huyện và các xã đã nhanh chóng tham gia khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, về nhà ở của người dân, tài sản, hoa màu; thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ)

Tổ chức trực ban 24h để nắm chắc diễn biến tình hình mưa, lũ và triển khai các phương án ứng phó của địa phương, đơn vị. Nhanh chóng triển khai huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Xác định khu vực bị cô lập để tập trung huy động lực lượng, phương tiện, vật tư chi viện. Sơ tán toàn bộ người, tài sản, gia súc từ nơi có sự cố thiên tai đến nơi an toàn, chắc chắn.
 
Tìm hiểu về công tác PCLB & TKCN cấp xã, chúng tôi được ông Vương Đình Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nậm Lịch cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, trong những năm qua, công tác phòng chống mưa lũ luôn được Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã đặc biệt quan tâm. Với phương châm "chủ động phòng tránh - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương và có hiệu quả", trong đó, lấy phòng là chính.

Ngay từ đầu mùa mưa, xã đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện 4 tại chỗ. Bên cạnh đó Ban chỉ huy PCTT-TKCN, còn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Luật phòng, chống thiên tai, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCTT-TKCN, cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong viêc tham gia PCTT-TKCN, phấn đấu hạn chế tối đa mức thiệt hại.

1
Công trình kè suối Nậm Ẳng được thi công nhằm nắn trả lại lòng suối, bảo vệ 12ha lúa 2 vụ trên địa bàn huyện

 

Thực hiện phương châm phòng là chính, chống phải kịp thời, hiệu quả. Hàng năm xã chỉ đạo cho các thôn bản phải làm tốt công tác kiểm tra các địa điểm hay bị sạt lở, các địa bàn xung yếu để có các biện pháp tu sửa ngay từ đầu mùa mưa, đưa công tác PCTT-TKCN theo một cơ chế thống nhất, không để bị động, bất ngờ.
 
Những năm trước, suối Nậm Ẳng, đoạn chảy qua các bản Pá Cha, Co Có, Cha Nọ, xã Ẳng Tở thường xuyên đổi dòng, mỗi khi mưa lớn, nước từ các nơi chảy dồn về nên cánh đồng chung của 3 bản hay bị ngập nước, nhiều diện tích bị sạt lở, cuốn trôi, một số gia đình còn bị lòng suối lấn sâu vào đất thổ cư, sát nhà ở, chuồng trại chăn nuôi. Vì vậy, công trình kè suối Nậm Ẳng được thi công nhằm nắn trả lại lòng suối, bảo vệ 12ha lúa 2 vụ.

Với số vốn 1,7 tỷ đồng, kè được làm bằng rọ đá hộc, dài 700m, cao 2m, kè 2 bờ suối song song. Từ khi công trình được hoàn thành, dòng suối đã được nắn, kè 2 bên vững chắc, người dân bản không còn phải thấp thỏm, thức trắng đêm mỗi khi mưa lớn. Song để công tác phòng chống thiên tai hiệu quả, xã cũng tích cực triển khai các biện pháp phòng chống lũ bão, cử cán bộ phụ trách các bản giúp đỡ các hộ có nhà tạm, tranh tre nứa lá tu sửa nhà cửa, chuồng trại. Cắm biển báo nguy hiểm tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao, nghiêm cấm Nhân dân vớt củi, xúc cá, lội qua suối khi có mưa lũ.
 
Để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa lũ năm nay, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống mưa lũ. Chỉ đạo các ngành, đơn vị, xã, thị trấn chủ động nhân lực, phương tiện, các điều kiện cần thiết để di dời, sơ tán người và tài sản của Nhân dân tới nơi an toàn, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có thiên tai xảy ra. Rà soát, nắm chắc các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN hiện có của địa phương để kịp thời huy động ứng cứu khi có sự cố thiên tai, tuyên truyền cho Nhân dân chằng, chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng gió, lốc xoáy. Bằng nhiều giải pháp, tin rằng công tác phòng, chống mưa bão, thiên tai ở Mường Ảng sẽ đạt hiệu quả./.
 

 

 

Tuấn Trung/Dienbientv.vn

.