Những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới
Điện Biên TV - Trong những năm qua, từ các nguồn lực của Đảng, Nhà nước, nguồn lực huy động từ cộng đồng xã hội, đã giúp nhiều xã trên địa bàn tỉnh ta từng bước đầu tư, hoàn thiện bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong tổng số 19 tiêu chí, có những tiêu chí rất khó thực hiện đối với các xã miền núi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đã được triển khai tại tỉnh Điện Biên hơn 7 năm qua. Toàn tỉnh có 116 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng nghĩa với việc hoàn thành 19/19 tiêu chí; 3 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, đã hoàn thành 15-18 tiêu chí; 10 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 64 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; 26 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Đến tháng 6/2018, toàn tỉnh Điện Biên mới có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới |
Nhìn vào kết quả này có thể thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dân đến tình trạng trên, trong đó có những nguyên nhân cơ bản, như: Do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, xuất phát điểm thấp; cơ sở hạ tầng thiếu, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ; việc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Ngoài ra, thực tế cho thấy có những tiêu chí, nội dung cụ thể trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới rất khó thực hiện đối với các xã miền núi, vùng sâu vùng xa.
Đầu tiên phải kể đến tiêu chí số 10 về thu nhập. Đến hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn tỉnh ta mới chỉ có 14/116 xã đạt mức 12,6 triệu đồng/người/ năm. Trong khi đó, quy định thu nhập bình quân đầu người của xã nông thôn mới năm 2018 phải đạt 30 triệu đồng/người/năm; đến năm 2020 phải đạt mức 36 triệu đồng/người/năm.
Trong khi đó, thực tế hiện nay ở tỉnh ta, nhiều xã mức thu nhập của người dân mới chỉ đạt từ 7 - 8 triệu đồng/người/năm, thậm chí có những xã còn thấp hơn. Bên cạnh đó, quy định tỷ lệ hộ nghèo của xã nông thôn mới phải từ 12% trở xuống, nhưng thực tế hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh ta, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức từ 50% đến 60%, thậm chí có xã còn cao hơn. Thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao là nguyên nhân dẫn đến việc khó hoàn thành tiêu chí số 10 và số 11 về thu nhập và hộ nghèo.
Tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất, đây cũng là một thách thức lớn đối với các xã xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, có 74 hợp tác xã nằm trên địa bàn 116 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhưng mới chỉ có 34 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất.
Thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao là nguyên nhân dẫn đến việc khó hoàn thành tiêu chí số 10 và số 11 về thu nhập và hộ nghèo. |
Tiêu chí này yêu cầu xã chuẩn Quốc gia phải có hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Đây là tiêu chí rất khó thực hiện, vì nhiều xã thậm chí còn chưa thành lập được tổ hợp tác, hợp tác xã. Có nhiều xã đã thành lập được các HTX, nhưng hoạt động cầm chừng, không hiệu quả; hoặc không hoạt động trên thực tế.
Đặc biệt là từ khi thực hiện theo luật hợp tác xã năm 2012, hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, nhiều hợp tác xã gặp không ít khó khăn. HTX dịch vụ nông nghiệp Tổng hợp Lay Nưa là một trong những hợp tác xã được thành lập và đi vào hoạt động góp phần giúp xã Lay Nưa đạt tiêu chí số 13. Tuy nhiên, để duy trì phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho xã viên thì, HTX gặp không ít những khó khăn.
Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm cũng là tiêu chí khó thực hiện, đối với nhiều xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Để đảm bảo đạt 8 nội dung trong tiêu chí 17 thì, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, thì hầu hết 8 nội dung trong tiêu chí số 17 về môi trường, đòi hỏi ý thức, trách nhiệm và nỗ lực thực hiện của chính mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng ở nông thôn.
Các nội dung như xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.v.v… chỉ có thể đạt được, với điều kiện người dân đồng thuận và tự nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là tại các thôn bản vùng sâu vùng xa, còn khá thờ ơ trong việc gìn giữ vệ sinh chung, bảo vệ môi trường sinh thái ngay tại gia đình mình và tại cộng đồng thôn - bản.
Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm cũng là tiêu chí khó thực hiện, đối với nhiều xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. |
Ngoài các tiêu chí nêu trên, còn một số tiêu chí khác cũng không dễ thực hiện đối với địa bàn các huyện, các xã miền núi biên giới có xuất phát điểm thấp, như tiêu chí số 2 về giao thông; tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất, văn hóa; tiêu chí số 4 về điện; số 3 về thủy lợi.v.v… Ở huyện Mường Nhé, sau hai năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, đã đạt được một số kết quả nhất định. Các xã trên địa bàn huyện trung bình đạt 7,4 tiêu chí/xã.
Trong đó, xã Sín Thầu cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới với 15 tiêu chí đã đạt, xã Sen Thượng đạt 9 tiêu chí và xã Mường Nhé đạt 8 tiêu chí. Tuy nhiên với xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế chậm phát triển, các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện Mường Nhé đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc phấn đấu đạt các tiêu chí. Hiện tại chưa có xã nào của huyện đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi, do nhu cầu cần đầu tư các công trình, hệ thống kênh mương quá lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của nhà nước có hạn. Tiêu chí về giao thông, có 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã, nhưng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thông thì còn rất thấp, không mấy xã đủ nguồn lực để đạt được.
Có thể khẳng định, Chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Nhận thức, trách nhiệm của đồng bào cũng đã từng bước thay đổi và dần được nâng lên, không coi việc xây dựng nông thôn mới là của Chính phủ, của chính quyền mà xác định mình chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Từ đó, người dân và cộng đồng các thôn bản đã nỗ lực góp công, góp của cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan mang lại nên vẫn còn những tiêu chí rất khó hoàn thành, nhất là ở các xã nghèo vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các xã miền núi, biên giới.
Trong thời gian tới, để các xã có điều kiện phấn đấu đạt các tiêu chí khó, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, mỗi địa phương phải đặt quyết tâm chính trị rất lớn, cũng như đề ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn để phấn đấu thực hiện các tiêu chí khó về xây dựng nông thôn mới như lộ trình đã đề ra./.
Chu Linh - Trọng Lâm/Dienbientv.vn