Bảo vệ môi trường từ ý thức của người dân
Điện Biên TV - Hiện nay, trên địa bàn huyện Điện Biên, ngoài các xã có ý thức tốt trong việc dọn dẹp vệ sinh môi trường thì vẫn còn tồn tại một số xã thực hiện chưa tốt. Nguyên nhân chính là ý thức của đại bộ phận người dân chưa cao, họ vẫn ngang nhiên xả rác thải sinh hoạt ra môi trường hoặc để gia súc phóng uế bừa bãi, gây ra ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Tại xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, đã 10 năm nay tồn tại một bãi rác tự phát số lượng lớn ngay dưới chân cầu Nà Tấu (trên Quốc lộ 279, thuộc bản Trung tâm 1), trông mất mỹ quan, thường xuyên bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân sinh sống quanh khu vực.
Rác thải do người dân tự ý đổ xuống chân cầu Nà Tấu gây tắc nghẽn suối Nậm Rốm. |
Có mặt tại cầu Nà Tấu, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy bãi rác lớn quanh 2 bên chân cầu. Những rác thải hữu cơ, như: thức ăn, rau quả, xác động vật... đến rác vô cơ, như: giấy, nhựa, túi ni lông… được vứt tràn lan đã làm tắc nghẽn dòng suối Nậm Rốm, khiến nước suối đen ngòm và ứ đọng, không lưu thông được. Chỉ đứng tại đây một lúc, chính chúng tôi cũng không chịu được mùi hôi thối nồng nặc đang bốc lên từ bãi rác.
Trao đổi với ông Lê Văn Thái, Trưởng bản Trung tâm 1, xã Nà Tấu, chúng tôi được biết, rác thải dưới chân cầu Nà Tấu do người dân các bản: Trung tâm 1, Trung tâm 2 và những người kinh doanh buôn bán tại chợ Trung tâm Nà Tấu ngang nhiên mang tới đổ. Từ khi chính quyền xã Nà Tấu cắm biển “Cấm đổ rác” thì người dân đổ trộm. Lý do là trên địa bàn chưa có chỗ tập kết, xử lý rác thải và người dân chưa có ý thức trong việc thu gom, xử lý rác thải do chính gia đình mình thải ra.
Mặc dù chính quyền xã Nà Tấu và bản đã thường xuyên đi tuyên truyền, nhắc nhở bà con trong việc tự xử lý rác thải gia đình, nhưng ý thức của bà con vẫn chưa biến chuyển. Đồng thời, với tâm lý “khuất mắt trông coi” bà con vẫn đổ rác xuống chân cầu Nà Tấu ngày một nhiều, khiến tình trạng rác thải ô nhiễm hiện nay đang trở thành vấn nạn của bản Trung tâm 1 nói riêng và xã Nà Tấu nói chung.
Làm việc với ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, chúng tôi được biết thêm, vấn đề rác thải hiện nay đang là rào cản lớn nhất của chính quyền xã trong việc xây dựng nông thôn mới. Trước đây, UBND xã đã thành lập Tổ quản lý môi trường, do đồng chí Trưởng ban Công tác mặt trận xã đảm nhận; thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở và ngăn chặn các hành vi đổ rác sai quy định của người dân. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho người dân 32 bản việc đào hố chôn, phân loại rác thải gia đình. Tuy nhiên tình trạng người dân đổ rác sai quy định vẫn xảy ra, bởi chính quyền xã chưa đưa ra các hình thức xử phạt có tính răn đe khi phát hiện người dân đổ rác sai quy định.
Ở các xã: Mường Pồn, Hua Thanh, Mường Nhà, Mường Lói đã nhiều năm nay đang tồn tại tình trạng người dân chăn thả gia súc dưới lòng đường quốc lộ 12 và 279C, đồng thời để gia súc phóng uế bừa bãi số lượng nhiều, nhưng chưa có ý thức thu dọn, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đường phố.
Đi dọc đường quốc lộ 279C khu vực các bản Na Phay, Phiêng Sáng, Na Khoang (xã Mường Nhà), chúng tôi thấy phân trâu, bò phóng uế trên đường xuất hiện nhan nhản giữa lòng đường, thậm trí nhiều đoạn xuất hiện dày đặc gây mất mỹ quan.
Chị Phạm Thị Thanh Mai, giáo viên trường PTDTBT - THCS Mường Nhà cho biết: “Tôi thường xuyên đi qua trung tâm xã Mường Nhà để đi dạy học, thời gian gần đây thôi thấy người dân thường xuyên thả trâu bò ra đường, cản trở lối đi. Bên cạnh đó, trâu bò phóng uế gây tràn lan ra đường gây ô nhiễm môi trường, nhưng không ai dọn đi. Nhiều người đi không cẩn thận còn đâm vào phân trâu, bò nên khá khó chịu”.
Ông Lường Văn Hai, người dân bản Na Khoang cũng bức xúc chia sẻ: “Nhà tôi ở đường quốc lộ, hàng ngày người dân bản tôi mang trâu, bò đi chăn thả rồi để chúng phóng uế ra ngay trước cửa nhà tôi. Tôi nhắc nhở nhiều nhưng họ nói rằng ở bản nhiều trâu, bò, dọn cũng không hết được và trông thấy gia đình khác không dọn dẹp nên họ cũng hùa theo”.
Hiện nay, mật độ giao thông đi lại trên quốc lộc 12 và 279C ngày càng đông hơn, đồng thời tình trạng gia súc phóng uế trên các tuyến quốc lộ này cũng ngày càng trầm trọng. Nói về ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: “Đây là vấn đề khá đau đầu của chính quyền xã trong vài năm nay. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ thực hiện đưa việc bảo vệ môi trường lồng ghép vào bình xét gia đình văn hóa hàng năm, rồi tích cực nhờ các già làng, trưởng bản tuyên truyền cho người dân; đồng thời cũng nghiên cứu phương án nhắc nhở, xử lý những hộ dân không có ý thức bảo vệ môi trường, để gia súc thả rông phóng uế bừa bãi”.
Hiện nay, việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân đang được các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Điện Biên quan tâm thực hiện, đây cũng là tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới ở các xã. Thực tế, chính quyền, tổ chức, đoàn thể các cấp đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tập quán, thói quen xả rác thải, chất thải tùy tiện của các hộ dân, đồng thời một số xã đã có có hình thức xử lý nghiêm những gia đình có hành vi xả rác bừa bãi, tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, về lâu dài, để giải bài toán khắc phục ô nhiễm do rác thải sinh hoạt và phân gia súc ở các xã được thuyên giảm vẫn là ở ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường.
CTV - Phương Liên