Đùa quá dai với đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Chủ Nhật, 01/04/2018, 15:18 [GMT+7]

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỡ hẹn đến lần thứ năm, không ít người cho rằng việc lỡ hẹn nhiều lần chẳng khác gì trò đùa, nhưng là trò đùa quá dai.
 
Được Bộ Giao thông - Vận tải khởi công đúng ngày kỷ niệm giải phóng thủ đô năm 2011 với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến khai thác sử dụng từ tháng 6-2015. Thế nhưng năm 2014, thông báo lùi tiến độ lần thứ nhất đến đầu năm 2016 được đưa ra kèm theo "hóa đơn" tăng thêm hơn 315 triệu USD so với ban đầu.
 

1
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã lỡ hẹn đến lần thứ năm


Nhưng "bi kịch" ở dự án này là thêm vốn ngàn tỉ cũng lại thêm... thời gian hoàn thành.

Đầu năm 2016, Bộ Giao thông - Vận tải và tổng thầu EPC của dự án là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thống nhất khai thác cuối tháng 12-2016, rồi lại nửa đầu 2017 sẽ khai thác.

Đến tháng 2-2017, Bộ Giao thông - Vận tải lại chốt tháng 10/2017 chạy thử, đầu quý 2-2018 đưa dự án vào khai thác.

Nhưng mới đây, bộ tiếp tục đề nghị "điều chỉnh giai đoạn kết thúc xây dựng, đưa công trình của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác sử dụng trong năm 2021".

Trong đó, tháng 8/2018 hoàn thành nhà ga và hạng mục đường ray, trang trí kiến trúc khu depot, lắp đặt thiết bị và đóng điện toàn tuyến; tháng 9/2018 vận hành chạy thử.

Thời gian vận hành thử 3-6 tháng và tùy thuộc kết quả chạy thử để đưa vào khai thác thương mại.

Lý do của lần "lỡ hẹn" thứ năm này cũng không khác những lần trước!

Ngay ở thời điểm tháng 5/2017, theo tính toán của đơn vị quản lý dự án, giả sử với mức lãi suất vay thấp nhất (3%/năm) thì mỗi ngày dự án này phải "è cổ" trả lãi ít nhất 1,2 tỉ đồng.

Thiệt hại tiền bạc đã rõ. Nhưng còn có những thiệt hại lớn hơn, không đong đếm được bằng tiền.

Nếu dự án được đưa vào sử dụng đúng tiến độ, chắc chắn lúc này nhiều người Hà Nội đã quen với việc đi lại bằng đường sắt trong đô thị, tình hình kẹt xe, ùn tắc cũng không quá căng thẳng như hiện nay.

Đó là sự lãng phí lớn nhất mà người Hà Nội phải trả giá.

Việc liên tục lỡ hẹn đưa công trình vào sử dụng, dù biện minh thế nào, lý do ra sao nhưng dưới mắt người dân, đó là cách làm việc không nghiêm túc, thiếu tôn trọng người dân.

Đường sắt đô thị là công trình hạ tầng nên người dân có quyền được đòi hỏi phải đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất.

Các đơn vị có trách nhiệm với đầy đủ ban bệ, rành rẽ về kỹ thuật, chuyên môn... cộng với sự thúc ép từ dư luận qua những lần trễ hẹn lẽ ra phải đốc thúc nhà thầu, tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình và đưa ra một thời hạn hoàn thành chắc chắn.

Lỡ một, hai lần người dân còn châm chước, nhưng hạn chót cứ vô tư được đưa ra đến lần thứ năm, người dân liên tục bị cho... leo cây, thật là... khó coi và không thể chấp nhận được.

Người dân Hà Nội đã ngao ngán với các vụ vỡ ống nước Sông Đà - trong 4 năm vỡ tới 21 lần và không rõ đã phải là lần cuối chưa.

Do vậy, phải chấm dứt ngay trò đùa dai ở dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bởi càng kéo dài chỉ làm tổn thương lòng tin của người dân mà thôi.

 

 

Theo VOV

.