Điện Biên

Tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý rác thải nguy hại

Chủ Nhật, 11/03/2018, 14:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chất thải nguy hại được xác định là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, chất thải nguy hại chủ yếu từ các hoạt động Y tế, Giao thông vận tải, Công nghiệp...

Hiện nay hệ thống cơ sở y tế toàn tỉnh có 5 bệnh viện, 10 trung tâm y tế chuyên khoa tuyến tính, 17 phòng khám đa khoa khu vực, 130 trạm y tế xã/ phường và 110 cơ sở hành nghề y tế tư nhân... Trung bình mỗi năm thải ra khoảng 156,9 tấn chất thải nguy hại gồm các loại: bông, băng, bơm kim tiêm... Tỷ lệ thu gom chất thải y tế nguy hại đạt 98%.

1
Khu vực xử lý rác thải nguy hại tại bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên. ảnh KT

 

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 09 cơ sở y tế được trang bị lò đốt chất thải y tế nguy hại, gồm 03 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) và 06 bệnh viện tuyến huyện. Có 03 cơ sở y tế đang làm thủ tục đấu thầu để xây lắp lò đốt.

Bên cạnh đó, chất thải giao thông nguy hại chủ yếu phát sinh từ các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng các phương tiện giao thông (dầu mỡ thải, giẻ lau dính dầu...) với số lượng khoảng 35 tấn/ năm. Một phần chất thải này được cơ sở, doanh nghiệp tái sử dụng, phần còn lại được phân loại, thu gom và lưu giữ tạm thời và chuyển giao cho đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý chất thải nguy hại để tiến hành xử lý theo đúng quy định.

Chất thải nguy hại trong ngành công nghiệp chủ yếu phát sinh từ công nghiệp khai thác khoáng như khai quặng chì - kẽm, than, đá làm vật liệu xây dựng thông thường; dầu thải từ các trạm máy biến áp, biến thế từ quá trình sửa chwuax, thay thế.. Chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu là quặng đuôi của các cơ sở chế biến chì - kẽm còn chứa hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng, dầu thải và giẻ lau dính dầu trong quá trình sửa chữa máy móc. Quặng đuôi của các cơ sở chế biến khoáng sản được thải ra bãi thải nhưng chưa có biện pháp xử lý.

Nhìn chung, công tác quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng cảnh sát môi trường trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở có phát sinh thành phần chất thải nguy hại. Các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải nguy hại đã nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xử lý chất thải.

Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh hiện hiện nay chưa có cơ sở xử lý chất thải nguy hại đủ điều kiện được cấp phép; việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại còn mang tính nhỏ lẻ, mới chỉ tập trung xử lý được một phần rác thải y tế nguy hại. Bên cạnh đó các cơ sở thuộc loại hình hoạt động khác còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu gom, bảo quản, lưu giữ tạm thời và xử lý chất thải nguy hại.

1
Công nghệ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng công nghệ tiệt trùng, cắt nghiền

 

Bên cạnh đó, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp cao, không tiết kiệm quỹ đất, tại nhiều khu vực chất thải chôn lấp ở các bãi chôn lấp tạm, lộ thiên, hiện đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, công tác triển khai các quy hoạch quản lý chất thải rắn tại các cơ sở còn chậm; việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn; đầu tư cho quản lý, xử lý chất thải rắn còn chưa tương xứng; nhiều công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng và vận hành, nhưng cơ sở vật chất, năng lực và hiệu suất xử lý thải rắn chưa đạt yêu cầu.

Chính vì vậy, hiệu quả đạt được trong công tác quản lý, xử lý chất thải có những hạn chế nhất định đồng thời việc xử lý chất thải rắn không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đã gây những tác động tổng hợp tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế – xã hội.

Trước sự gia tăng nhanh chóng của chất thải nguy hại, Tỉnh Điện Biên đã từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý, xử lý an toàn chất thải, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và hạn chế các tác động xấu tới sức khoẻ con người là một trong những vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo./.
 

 

Hương Trà/Dienbientv.vn

.