Nối gần những bản, làng
Điện Biên TV - Thực hiện Dự án Ðầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gọi tắt là Dự án LRAMP), năm 2017 tỉnh Ðiện Biên được ưu tiên triển khai xây dựng 13 cầu, cống, nhằm đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân. Những cây cầu dân sinh hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ giúp đảm bảo an toàn giao thông nông thôn, mà còn tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một ngày đầu năm mới 2018, chúng tôi đến xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên) - một trong những địa phương được đầu tư xây dựng cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP. Theo quan sát của chúng tôi thì cả 2 cây cầu bê tông bắc qua suối Nậm Rốm, thuộc 2 bản: Tẩu Pung và Nà Ngám (xã Nà Nhạn) đều sắp hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhằm giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.
Dẫn chúng tôi đi thăm cây cầu, anh Lèo Văn Sáng, Trưởng bản Tẩu Pung (xã Nà Nhạn) phấn khởi nói: Trước kia, để đi lại, bà con đã góp tre, gỗ, cùng nhau dựng cầu tạm nhưng cũng chỉ đủ chỗ cho người đi bộ và xe đạp; còn xe máy qua đây thì hết sức nguy hiểm. Ðường sá không thuận lợi, thương lái ngại vào mua nông sản nên hay bị ép giá, thiệt thòi cho nhân dân.
Nhưng đến tháng 9/2017, bản được đầu tư xây dựng cầu dân sinh bằng bê tông thuộc Dự án LRAMP, nên bà con rất phấn khởi. Cây cầu có chiều dài hơn 16m, rộng 2m, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2018. Có cầu mới, từ nay về sau người dân sẽ không còn lo tai nạn khi qua suối. Từ đây, dân bản Tẩu Pung sẽ yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.
Cầu bê tông cốt thép bản Nà Ngám, xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên) đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng |
Chung niềm vui như người dân bản Tẩu Pung, bà con bản Nà Ngám (xã Nà Nhạn) cũng chuẩn bị được đi trên cây cầu bê tông mới. Chứng kiến cây cầu chuẩn bị hoàn thành, bà Lường Thị Mịn, bản Nà Ngám, cho biết: Khi chưa xây dựng cầu bê tông này, dân bản đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là người già và trẻ con. Ðể qua suối, bà con làm cầu tre, nhưng khi có mưa lũ cầu tạm lại bị cuốn trôi mất. Nay được Nhà nước quan tâm xây dựng cầu bê tông giúp người dân đi lại thuận tiện, rút ngắn khoảng cách, đảm bảo an toàn cho người dân; vì vậy người dân trong bản ai nấy đều vui mừng và biết ơn Ðảng, Nhà nước rất nhiều!
Nói về Dự án LRAMP, anh Nguyễn Ðạt Long, Giám đốc Ban Bảo trì Ðường bộ (Sở Giao thông - Vận tải), cho biết: Dự án LRAMP được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 622/QÐ-BGTVT ngày 02/3/2016. Qua rà soát danh mục và vị trí, thứ tự ưu tiên các cầu dân sinh đã được Tổng cục Ðường bộ Việt Nam chấp thuận tại văn bản số 3739/TCÐBVN-CQLXDÐB ngày 21/7/2016, dự kiến thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng 74 cây cầu dân sinh; trong đó trước mắt triển khai 64 cầu và được phân chia thành 5 dự án thành phần (gồm: 3 Báo cáo kinh tế kỹ thuật với số lượng 13 cầu, cống và 2 dự án thành phần với số lượng 51 cầu), có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 235 tỷ đồng.
Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 3 báo cáo kinh tế kỹ thuật với số lượng 13 cầu, cống được ưu tiên triển khai xây dựng vào năm 2017, với tổng mức đầu tư khoảng trên 37 tỷ đồng và 2 dự án thành phần còn lại đang triển khai thực hiện lập dự án. Trong tổng số 13 địa điểm xây dựng, gồm có: 2 cống hộp, 10 cầu bê tông cốt thép và 1 cầu treo.
Tính đến hết tháng 12/2017 đã có 2 vị trí là cống hộp Bản Ðun (xã Mường Ðun, huyện Tủa Chùa) và cầu Ít Nọi (xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng) hoàn thành, đưa vào sử dụng; 11 điểm còn lại cũng cơ bản hoàn thiện. Ðể đảm bảo chất lượng công trình, đơn vị thường xuyên cử cán bộ đến các công trường kiểm tra các hạng mục; đồng thời trao đổi, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thi công, do đó các công trình đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng, tiến độ đề ra.
Dự án LRAMP đã mang lại những tín hiệu lạc quan trong việc phát triển hạ tầng giao thông, giúp giảm gánh nặng cho địa phương trong việc huy động nguồn vốn, ngân sách để xây dựng mới các cầu dân sinh; tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các bản, làng ở vùng sâu, vùng xa.
CTV - Phạm Quang