Người Khơ Mú bản Suối Lư 1, 2, 3

Nghèo cả đời sống và ý thức lao động

Thứ Hai, 05/03/2018, 14:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong chuyến du ngoạn đầu năm tới Điện Biên Đông, đặt chân tới các bản Người Khơ Mú bản Suối Lư 1, 2, 3 và chứng kiến cuộc sống của người dân, chúng tôi không khỏi trăn trở với cái đói, cái nghèo đang đeo bám dai dẳng cuộc sống của người dân nơi này, họ nghèo cả đời sống và ý thức lao động

Mặc dù ở 3 bản khác nhau nhưng người dân Khơ Mú ở đây đều sinh sống quần cư cùng nhau, với tổng số 241 hộ và hơn 600 khẩu. Ranh giới giữa các bản chỉ là những bể nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư, hoặc rãnh nước chia đôi 2 nóc nhà sàn.

Ông Lò Văn Ngân, Bí  thư Chi bộ bản Suối Lư 1 cho biết: “Đã nhiều năm nay, mặc dù được Nhà nước, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, hỗ trợ con giống, vật nuôi nhưng 3 bản chúng tôi vẫn nghèo lắm, tổng số hộ nghèo hiện nay trên 90%.

1
Các bản Người Khơ Mú bản Suối Lư 1, 2, 3 có trên 90% số hộ nghèo

 

Có nhiều nguyên nhân khiến bản khó thoát nghèo, như: đất canh tác ít, trình độ dân trí thấp, không có mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, phương thức sản xuất của bà con còn đơn lẻ... Nhưng, nguyên nhân chính vẫn là ý thức tự giác lao động của bà con chưa cao, đa số còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, lười lao động”.

Dạo quanh các bản: Suối Lư 1, 2, 3, chúng tôi chỉ thấy những ngôi nhà lụp xụp mọc san sát nhau, với những mảnh vườn trống hoác và đường đi chật hẹp; cả 3 bản không có một mô hình nuôi gia súc, gia cầm hay trồng trọt nào cả. Theo ông Lò Văn Ngân, trước đây bà con các bản: Suối Lư 1, 2, 3 vẫn có đất sinh hoạt, sản xuất xung quanh nhà.

Song, có thời điểm dân số tăng nhanh và tách hộ, thì các mái nhà tiếp tục mọc lên cạnh những mái nhà cũ, khiến diện tích đất nông nghiệp cứ thế giảm dần. Đến nay do người dân sinh sống quá gần nhau nên không có quỹ đất để trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời việc sinh hoạt hàng ngày đều trở nên khó khăn, bất tiện. “Khoảng 5 năm nay, chính quyền các bản chúng tôi đã làm đơn đề nghị lên UBND xã, xem xét phương án tách bản hoặc di dời bản đi nơi khác. Nhưng do chưa bố trí được quỹ đất nên việc này chưa thể thực hiện. Hiện nay, dân số 3 bản ngày càng tăng, vì thế rất mong chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, xem xét tìm hướng cho bản chúng tôi có quỹ đất ở và gieo trồng” – ông Lò Văn Ngân cho biết thêm.

Ngoài người già và trẻ em, trong các bản Suối Lư 1, 2, 3, có khá nhiều người dân trong độ tuổi lao động ngồi nhàn rỗi bên hiên nhà. Gia đình bà Lường Thị Hươi có 2 con trai trong độ tuổi lao động đều đang rảnh rỗi ở nhà, người thì đang uống rượu, còn người thì đã say lăn ra ngủ. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hươi nói bằng tiếng dân tộc Khơ Mú: “Chúng nó lười lắm, đều bỏ học hết rồi và không chịu làm ăn gì. Tôi nhắc nhở thì chúng nó bảo đã có Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo rồi, nên không cần làm nữa”.

Được biết, do sinh sống bên bờ Suối Lư, từ lâu người Khơ Mú ở 3 bản: Suối Lư 1, 2, 3 có truyền thống đánh bắt thủy sản trên suối và trồng lúa nước để cung cấp cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn nước trên Suối Lư bị ô nhiễm, khiến thủy sinh kém phát triển nên bà con không còn dựa vào nguồn nước suối để sinh sống được, mà chuyển sang canh tác trên nương. Cũng từ đó, bà con bắt đầu có tư tưởng lười nhác, không chịu kiên trì và đổi mới tư duy để phát triển kinh tế gia đình.

1
Người dân bản Suối Lư 2, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông chưa nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình nên cuộc sống nhiều năm vẫn đói nghèo.

 

Ông Lò Văn Căn, Trưởng bản Suối Lư 2, chia sẻ với chúng tôi: “Từ khi thay đổi phương thức sản xuất, bà con bắt đầu lười nhác, một số hộ chỉ lao động vừa đủ nhu cầu trước mắt không có ý nghĩ mở rộng phát triển kinh tế để làm giàu. Mặc dù chúng tôi đã vận động nhiều, nhưng ý thức của bà con vẫn chưa biến chuyển. Thêm vào đó, hàng năm người dân 3 bản Suối Lư chúng tôi vẫn được nhận đầy đủ hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương và địa phương, nên bà con lại càng lười và trông chờ, ỷ lại hơn”.

Trong khi các bản khác cùng xã Keo Lôm như: Trống Súa, Háng Lìa, Tìa Giềnh, Huổi Mua, Huổi Xa, Chóp Ly... đang nỗ lực xóa đói, giảm nghèo và  thay da, đổi thịt từng ngày, thì tại 3 bản: Suối Lư 1, 2, 3, cái đói, cái nghèo vẫn cứ dai dẳng mãi.

Phân tích về điều này, ông Vàng A Minh, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm thẳng thắn nhận định: “Người dân 3 bản Suối Lư không chỉ nghèo về đời sống mà còn nghèo về ý thức lao động và tinh thần vượt khó vươn lên. Cùng nhận được các chương trình hỗ trợ, thậm chí nhiều hơn những bản khác nhưng bà con vẫn nghèo hoàn nghèo.

Nhiều lần chính quyền xã đã cử cán bộ khuyến nông xuống cùng bà con phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhưng bà con không chịu làm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn để giúp bà con các bản: Suối Lư 1, 2, 3, thoát nghèo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghĩ tới  phương án di dời, tách bản để bà con có đất canh tác lâu dài”.

 

 

CTV - Phương Liên

.