Những người vượt qua di họa chiến tranh
Điện Biên TV - Chiến tranh đã lùi về quá khứ, nhưng di chứng từ chất độc da cam để lại đang khiến nhiều người phải gồng mình chịu đựng. Song những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành bằng nhiều hoạt động thiết thực đã và đang dần xoa dịu nỗi thương đau, mất mát đó. Đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều người còn vượt lên số phận, hăng hái tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế hộ gia đình, trở thành gương điển hình ở bản, ở xã.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Quang Tuyến, đội 6, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Nhìn dáng vẻ bề ngoài của ông nếu chắc chẳng ai nghĩ ông bị nhiễm chất độc hóa học và mất đi 71% sức khỏe bởi trông ông vẫn còn khỏe mạnh lắm.
Ông Tuyến là lính từng tham gia chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường Quảng Trị những năm 1965 - 1969. Trở về với cuộc sống đời thường, mang trên mình nỗi đau da cam song nhờ sự quan tâm, động viên của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành ông đã vượt qua được bệnh tật và có cuộc sống như ngày hôm nay.
Ông Tuyến kể lại: Năm 1978, sau khi rời quân ngũ, ông cùng vợ con lên xây dựng vùng kinh tế mới tại Điện Biên. Những năm đầu lập nghiệp, cũng như bao gia đình khác ông gặp không ít khó khăn về kinh tế. Nhưng với ý chí của người lính, mặc dù nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe yếu ông vẫn nén lòng, động viên vợ con quyết tâm xây dựng kinh tế gia đình từ chăn nuôi, trồng trọt, nấu rượu… Qua nhiều năm lam lũ, cần cù chịu khó, gia đình ông đã vươn lên, trở thành hộ khá giả của xã; mỗi năm thu nhập từ 40 – 45 triệu đồng.
“Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của từng thành viên trong gia đình, có sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến địa phương. Từ những món quà ngày lễ, tết, như: Ngày thương binh liệt sĩ, Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam… đến những lời động viên, hỏi thăm của làng xóm, láng giềng, anh em, bạn bè chính là động lực để tôi vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, xóa đói giảm nghèo” - Ông Tuyến, chia sẻ.
Dù mang trong mình "nỗi đau da cam" nhưng ông Lê Xuân Chinh, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) vẫn tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. |
Trong số gần 200 đối tượng là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam/dioxin đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, rất nhiều người đã nén nỗi đau quá khứ, vượt qua khó khăn về thể chất, bằng ý chí, nghị lực, họ đang từng ngày vươn lên.
Cũng như ông Tuyến, ông Bùi Như Hiển, ở đội 7, xã Thanh Chăn cũng là một trong những cá nhân điển hình như thế. Ông bị nhiễm chất độc hóa học, mất 65% sức khỏe. Mỗi khi thời tiết thay đổi, ông Hiển thường bị những cơn đau hành hạ thể xác. Dẫu vậy, vẫn không làm ông nản chí, ông còn tích cực tăng gia, sản xuất... Hàng năm, từ bán trâu, bò, lợn và làm ruộng, gia đình ông thu nhập trên 30 triệu đồng.
Hay như trường hợp của ông Nguyễn Văn Mỹ, thôn Chế Biến 2, xã Thanh Luông; ông Lê Xuân Chinh, đội 4, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên… dù mang trên mình nỗi đau da cam, song chưa bao giờ quên trách nhiệm là trụ cột, luôn cùng với gia đình tích cực chăn nuôi, phát triển sản xuất. Đây chỉ là số ít trong rất nhiều gương nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống mà chúng tôi từng gặp.
Có thể nói, dù tuổi cao sức yếu do di chứng chất độc hóa học để lại nhưng đến nay nhiều hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh đã không mặc cảm với số phận, không cam chịu đói nghèo, phát huy phẩm chất cao đẹp người lính cụ Hồ, nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
CTV - Văn Quyết