Vụ kỷ luật bác sĩ Truyện: Lỗi thuộc về ai?
Lỗi của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành quyết định xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính đã rõ, còn vị bác sĩ cũng cần phải xem lại mình.
Tuần trước, việc xử lý kỷ luật, phạt 5 triệu đồng đối với bác sĩ bị cho là nói xấu, bôi nhọ Bộ trưởng Y tế trên Facebook đã khiến dư luận bàn luận xôn xao. Đặc biệt, rất nhiều người bày tỏ phản ứng gay gắt về hành động xử phạt, xử lý kỷ luật của cơ quan quản lý Nhà nước.
Qua vụ việc cho thấy, tất cả những người trong cuộc đều phải xem xét lại mình. Đơn vị ban hành Quyết định xử phạt bác sĩ Truyện đã rút văn bản, nhưng điều đó không có nghĩa vị bác sĩ này hoàn toàn không có lỗi gì. Trước tiên, là một công dân, là một người làm trong ngành y, anh hoàn toàn có quyền được nói lên những bất cập của ngành, góp ý cho Bộ trưởng, những người quản lý ngành về những gì phải sửa đổi…. Đó là những việc cần được khuyến khích làm.
Tuy nhiên, làm theo cách nào, nói như thế nào thì phải có sự cân nhắc cẩn trọng. Bởi, trước khi nói và làm bất kỳ việc gì, anh phải đặt bản thân mình vào vị trí là một viên chức nhà nước, là bác sĩ. Theo đó, hành động và lời nói, tác phong phải chuẩn mực. Trong tình huống này, anh không thể nói, hoặc gọi đồng nghiệp của mình, chứ chưa nói tới đó là lãnh đạo cấp cao của ngành, bằng cách nói như ở hàng tôm, hàng cá được.
Người Việt Nam ta có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cũng là phê bình, phê phán, nhưng vì sao có những người nói nghe “lọt tai” đến thế, khiến cho người bị phê bình nhận ra được thiếu sót, hạn chế của mình để khắc phục mà trong lòng vẫn thấy thoải mái, “tâm phục, khẩu phục”. Qua sự việc này và một số vụ việc xảy ra trước đây, bất kỳ ai khi phát ngôn điều gì trên mạng xã hội cũng cần phải cân nhắc thật kỹ, tránh những sự việc đáng tiếc.
Quyết định xử lý bác sĩ Truyện. |
Còn với đội ngũ giúp việc, tham mưu, những người làm công tác quản lý, trước khi đặt bút ký hoặc ra bất kỳ một văn bản nào cũng cần phải có sự suy xét, tham vấn nhiều chiều, thấu đáo, tránh sự cố đáng tiếc như trong vụ việc này, mất thời gian mà không đạt được hiệu quả công việc. Lỗi của vị bác sĩ kia có cần thiết phải liên ngành vào cuộc hay chỉ cần nhắc nhở nội bộ cơ quan, đơn vị là đủ? Với những gì đã xảy ra, các đơn vị quản lý Nhà nước tưởng đã “nghiêm minh” xử lý người phạm tội nhưng vô tình gây tổn hại đến uy tín của vị Bộ trưởng Bộ Y tế. Mức độ sẵn lòng của các cơ quan, đơn vị trong một vụ việc cỏn con này chỉ khiến dư luận, người dân thêm mất niềm tin vào năng lực quản lý, điều hành của họ mà thôi.
Thời gian qua, rõ ràng trong công tác quản lý, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước, Bộ, ngành, địa phương còn bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế, gây hiểu lầm, làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Đất nước càng phát triển, thông tin đa chiều, rộng khắp và đặc biệt là mạng xã hội ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống. Chỉ cần một hành động nhỏ của một cá nhân hay tổ chức trái với nội quy, qui định của pháp luật ngay lập tức sẽ được đưa ra để phân tích, mổ xẻ và phán xét. Chúng ta đang sống trong xã hội thượng tôn pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội càng phát triển đòi hỏi năng lực quản lý, điều hành, thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải nâng cao hơn nữa thì mới theo kịp sự phát triển và thúc đẩy xã hội phát triển./.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN