Nhà nước hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện liệu có tăng độ hấp dẫn?

Chủ Nhật, 22/10/2017, 09:06 [GMT+7]

Sau 10 năm thực hiện chính sách, đến nay mới có 243 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 0,5% lượng lao động.
 
Theo BHXH Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 40 triệu lao động khu vực phi chính thức có thể tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 0,5% tham gia, chưa kể một số người tham gia một thời gian lại xin rút.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng hàng năm nhưng rất chậm. Trong số 243 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay, chỉ có khoảng 30% là đối tượng mới, 70% còn lại là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
 

1
Tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức hiện còn rất khiêm tốn.


Những người tham gia BHXH tự nguyện ở Việt Nam chủ yếu trong khu vực phi chính thức với đặc thù là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, thiếu tính ổn định và không bền vững. Chính điều kiện khó khăn nên việc tiếp cận thông tin cũng như hiểu biết về chính sách BHXH còn hạn chế. Chị Nguyễn Thị Hải ở quận Cầu Giấy và chị Đoàn Thanh Loan ở huyện Gia Lâm, Hà Nội là những người làm nghề tự do cho biết không tham gia BHXH tự nguyện vì nhiều lý do khác nhau.

“Người ta cũng bảo có thể đóng theo nhiều mức tùy theo lựa chọn. Có mức 220 nghìn hoặc 250 nghìn/tháng, có mức hơn 2 triệu đồng/tháng. Nhưng tôi cũng thấy băn khoăn, nhiều khi thấy họ không nhiệt tình tư vấn nên có cảm giác không tin tưởng. Hơn nữa, phải đóng 100% nên thấy cũng thiệt thòi”, chị Hải cho biết.

Còn theo chị Hoa: “Là người làm việc tự do, chúng tôi cũng mong đóng BHXH vì sau này về già có một khoản lương hưu để đảm bảo cuộc sống. Nhưng cũng chỉ nghe qua chứ không hiểu rõ lắm. Chẳng hạn như bán BHXH ở đâu, chúng tôi có thể tìm mua ở đâu hay quyền lợi của chúng tôi khi tham gia BHXH”

Thực tế cho thấy, từ năm 2014, chính sách BHXH đã mở rộng đến tất cả mọi người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên mà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, phương thức và mức đóng theo quy định mới của Luật BHXH đa dạng, thuận lợi, do người lao động lựa chọn. Mức đóng thấp nhất là bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Phương thức đóng cũng quy định linh hoạt: ba tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu. Tuy nhiên, số người tham BHXH tự nguyện vẫn chỉ là con số khiêm tốn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính khiến BHXH tự nguyện khó thu hút đối tượng tham gia chính là do mức đóng còn cao so với thu nhập của đa số người dân trong khi mức hưởng chưa tương xứng. Người lao động phải duy trì khoản đóng hằng tháng trong khoảng thời gian ít nhất 20 năm. Như vậy, rất khó để người dân thực hiện khi thu nhập của họ luôn bấp bênh. Bên cạnh đó, người lao động không muốn tham gia BHXH tự nguyện do có sự khác biệt về chế độ thụ hưởng giữa chế độ BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết:“Khi tham gia BHXH bắt buộc thì người tham gia được hưởng 5 chế độ gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.

Tuy nhiên, tham gia BHXH tự nguyện thì chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Đấy là chế độ mà tôi nghĩ nhiều khi ngắn hạn cũng là cần thiết, bởi nó giúp người tham gia vượt qua những khó khăn trước mắt, có tích lũy hoặc tiết kiệm để tham gia chế độ lâu dài”.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tăng độ bao phủ cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện là một bài toán khó. Mặc dù từ ngày 1/1/2018, Nhà nước sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ từ 10 đến 30% tùy từng đối tượng, tuy nhiên, mức hỗ trợ này vẫn chưa đủ hấp dẫn người dân tham gia... Do đó, cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách BHXH tự nguyện, để chính sách này ngày càng đến gần hơn với lực lượng lao động phi chính thức, nhóm lao động chịu nhiều yếu thế và tổn thương trong xã hội.

"Muốn cho chính sách hấp dẫn thì bản thân người thực hiện chính sách phải cởi mở, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, mua bảo hiểm phải dễ, nơi nào cũng có thể mua được. Khi người dân thấy lợi ích đó hoàn toàn phù hợp, họ không phụ thuộc vào con cái sau này thì họ sẽ mua. Điều đó rất có ý nghĩa nhân văn và có ý nghĩa xã hội sâu sắc”, ông Lợi nói thêm./.

 

Theo VOV

.