Người Việt Nam chưa giàu đã già và gánh nặng an sinh

Chủ Nhật, 01/10/2017, 15:59 [GMT+7]

Đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng nhưng từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.
 
Cả nước hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 11% dân số. Dự báo đến năm 2050, tỷ lệ này là 25%. Điều đáng nói là hiện nay chỉ có 10% người cao tuổi có tiền tích lũy và 70% không có lương hưu. Nếu không có sự hỗ trợ của con cái, đa số người già buộc phải lao động để kiếm sống. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược để thích ứng với tương lai và đáp ứng các nhu cầu của người cao tuổi.
Phóng viên VOV, phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân về vấn đề này.
 

1
(Ảnh minh họa)

 


Phóng viên: Thưa ông, các chuyên gia quốc tế nhận định: Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới nên người dân chưa giàu đã già. Ông bình luận gì về điều này?

PGS, TS Giang Thanh Long: Già hóa dân số là quá trình thay đổi về cơ cấu tuổi. Khi nói người về già hiện nay là nói đến người trẻ cách đây vài chục năm, khi điều kiện kinh tế, xã hội còn rất yếu kém, vừa thoát khỏi chiến tranh và phần lớn hệ thống an sinh xã hội chỉ phục vụ cho khu vực công.

Đây chính là lý do dẫn đến hệ quả là bây giờ tỷ lệ người được bao phủ bởi hệ thống an sinh xã hội rất thấp. Tuy nhiên, trong vòng 30 năm nữa, thì những người già của 30 năm tới chính là những người ở độ tuổi 30-40 tuổi bây giờ. Chính vì có sự chồng lấn về các thế hệ thì chúng ta có cả cơ hội và thách thức.

Cơ hội là nếu những người ở độ tuổi đang chín từ 20,30,40 tuổi có việc làm tốt, có tiết kiệm và chuẩn bị sức khỏe tốt thì đương nhiên sau này chúng ta không cần phải lo cho họ nữa và như vậy giảm bớt gánh nặng.
Ngược lại, thách thức là nếu như chúng ta không tạo được việc làm cho họ, tỷ lệ thất nghiệp lớn thì rõ ràng họ cũng không có tiết kiệm, không có những nguồn lực về tài chính, không thể lo được sức khỏe. Như vậy, dẫn đến hệ quả là sau này họ vừa yếu về kinh tế, vừa yếu về sức khỏe, đương nhiên trở thành gánh nặng.

Phóng viên: Vậy, Chính phủ cần có chiến lược như thế nào để thích ứng với cơ cấu dân số già, thưa ông?

PGS, TS Giang Thanh Long: Để đưa ra những chính sách phù hợp phụ thuộc vào việc dự báo xu hướng như thế nào. Người già thường mắc những bệnh không lây nhiễm và mãn tính và những bệnh đó chữa trị với chi phí rất cao, thời gian điều trị dài. Nếu như chúng ta có những chương trình truyền thông về vấn đề chăm sóc sức khỏe để các thế hệ trẻ bây giờ tránh được những nguy cơ mắc bệnh mãn tính hoặc giảm bớt tỷ lệ bị mắc bệnh thì đương nhiên sau này, chúng ta không phải quá lo lắng về các vấn đề chi phí y tế cao nữa.

Còn đối với những người cao tuổi hiện nay chưa được bao phủ bằng hệ thống an sinh xã hội thì Chính phủ cần mở rộng hệ thống này. Theo tôi công việc trong kế hoạch ứng phó với già hóa dân số rất nhiều. Chúng ta phải khởi động ngay nếu không sẽ muộn. Rất may, Bộ Y tế cũng như Chính phủ đã nhận thức được vấn đề già hóa dân số đã đến rất cận kề rồi nên vấn đề liên quan đến chăm sóc lão khoa đã được thay đổi. Tôi tin tưởng trong thời gian tới sẽ có những nguồn lực rất dồi dào cho việc chăm sóc người cao tuổi.

Phóng viên: Theo ông, từ thực tế ứng phó với tốc độ già hóa dân số tại các nước phát triển, Việt Nam rút ra được những kinh nghiệm gì?

PGS, TS Giang Thanh Long: Theo tôi, điều đầu tiên là cần có một hệ thống an sinh xã hội phủ rộng, không chỉ lúc già mới phủ rộng, mà phải từ lúc con trẻ cho đến những người trong độ tuổi lao động, sau đó là về hưu, về già. Trên thực tế cách tiếp cận kiểu vòng đời đó đã được Việt Nam học hỏi. Có nghĩa là chúng ta sẽ lo cho con người từ khi trong bụng mẹ, thậm chí từ lúc mang thai cho đến lúc đẻ ra, đi học….
Hệ thống đó sẽ tạo thành một mạng lưới an sinh xã hội rất rộng và đáp ứng được vấn đề liên quan đến rủi ro vòng đời. Tôi nghĩ rằng, đó là một trong những kinh nghiệm mà Việt Nam đã học được từ Nhật Bản. Một kinh nghiệm nữa cần rút ra từ Nhật Bản, đó là việc nước này đối mặt với tình trạng dân số gia hóa quá nhanh, dẫn đến những thay đổi về mặt chính sách chưa đáp ứng kịp thời.

Ví dụ, vấn đề hưu trí hoặc hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Nhật Bản chi tiêu khối lượng tiền khổng lồ chiếm tới khoảng hơn 20% ngân sách, thậm chí thời gian tới dự báo chiếm khoảng hơn 30% ngân sách. Đây cũng là bài học để Việt Nam thấy rằng phải có chính sách đón đầu trước, nhất là khi nước ta đã là một trong 10 nước, thậm chí sắp tới sẽ là một trong 5 nước có tốc độ già hóa cao nhất thế giới. Càng có những chính sách mang ý nghĩa đón đầu để phục vụ cho người cao tuổi thì càng giảm bớt được chi phí, hậu quả của nó mang lại.

Xin cảm ơn ông!./.

 

Theo VOV

.