Mỗi năm phụ nữ mất gần 7 tháng cho các "công việc không lương"
Nếu tính theo mức lương tối thiểu vùng, mỗi năm phụ nữ có thể kiếm được 30 triệu đồng từ những công việc chăm sóc không lương.
Đây là vấn đề được đưa ra thảo luận tại buổi công bố báo cáo nghiên cứu “Công việc chăm sóc không lương – San sẻ là yêu thương”, do Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH) phối hợp cùng tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) tổ chức chiều ngày 19/10.
Thông tin về kết quả báo cáo, bà Nguyễn Phương Thúy, chuyên gia từ ActionAid Việt Nam cho biết, hiện nay phụ nữ vẫn dành thời gian cho các công việc chăm sóc không lương như nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái...nhiều hơn nam giới, cũng như dành nhiều thời gian hơn cho các công việc tính vào GDP không được trả lương. Do đó, phụ nữ có ít thời gian cho những công việc có lương hoặc nghỉ ngơi.
Một phụ nữ ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình. |
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ dành trung bình 4,5 giờ/ ngày cho công việc chăm sóc không lương, 32 giờ/tuần, 207 ngày/ năm. Như vậy, mỗi năm mỗi phụ nữ mất gần 7 tháng cho các công việc chăm sóc không lương. Nếu công việc này được trả theo mức lương tối thiểu, phụ nữ có thể kiếm được 2,56 triệu đồng/tháng và hơn 30 triệu đồng mỗi năm.
Xét theo khía cạnh quốc gia, khối lượng công việc chăm sóc không lương của phụ nữ đóng góp là rất lớn. Căn cứ vào số lao động nữ trong độ tuổi lao động của Việt Nam (32, 89 triệu phụ nữ) trên toàn quốc, phụ nữ đóng góp cho nền kinh tế đạt 996 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ khối lượng công việc chăm sóc không lương mà họ làm hàng ngày. Số tiền này nhiều gấp 30 lần số tiền Chính phủ đã chi cho giáo dục mầm non năm 2013 ( 30, 24 nghìn tỷ đồng). Lấy một ví dụ khác, nếu chi phí xây dựng trường là 100 triệu đồng thì phần đóng góp công việc không lương của phụ nữ tương đương với việc xây dựng 9.960.000 trường học.
Tuy nhiên, bà Thúy cho rằng điều đáng nói là phần lớn sự đóng góp này của phụ nữ lại không nhận được sự ghi nhận hay chia sẻ từ chồng, con trai và các thành viên các trong gia đình cũng như cộng đồng.
Cũng theo phần trình bày của bà Nguyễn Phương Thúy, với những phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn vẫn không giảm bớt gánh nặng công việc chăm sóc không lương. Mặc dù vậy, việc có trình độ học vấn cao hơn sẽ giúp tăng thời gian làm việc được trả lương cho phụ nữ so với việc làm không lương được tính trong GDP. Điều này chứng tỏ giáo dục có ảnh hưởng đến sự lựa chọn công việc của phụ nữ.
Việc nhà là của phụ nữ?
Theo nghiên cứu từ năm 2016, công việc chăm sóc không lương ước tính có thể chiếm tới hơn 20% GDP của Việt Nam. Đến nay, dù đã có nhiều thay đổi về nhận thức, tuy nhiên vẫn nhiều quan điểm cho rằng phụ nữ làm tốt hơn nam giới trong các công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Thậm chí, những quan niệm như phụ nữ phải có trách nhiệm chăm sóc con cái, nhà cửa, giữ gìn tổ ấm, cũng như nuôi dạy con cái đã ngấm sâu vào tâm thức các trẻ em gái khi còn rất nhỏ.
Thực tế, từ rất lâu, phụ nữ đã tham gia vào công việc được trả lương và hoạt động cộng đồng, song các định kiến về vai trò của người phụ nữ vẫn rất khó để thay đổi.
Như vậy, để tăng cơ hội tham gia vào các công việc được trả lương ngoài xã hội của phụ nữ, các chuyên gia khuyến nghị cần có những biện pháp nhằm thay đổi những nhận thức, khuôn mẫu giới đã tồn tại trong nhận thức mỗi người.
Bên cạnh đó, việc thiếu nhà trẻ, cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ hạn chế khả năng tham gia vào các công việc xã hội. Mặc dù Việt Nam đã cải thiện việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ trong những năm gần đây, nhưng tỷ lệ nhập học cho trẻ dưới 3 tuổi vẫn còn rất thấp. Tỷ lệ quốc gia là 22,7% , nhưng ở một số vùng như Đồng Bằng sông Cửu long, Tây Nguyên, tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến trường chưa đến 10%. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, gánh nặng chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi thường đặt lên vai phụ nữ, khiến một số phụ nữ phải nghỉ việc để chăm sóc con cái do không có trường mẫu giáo công lập.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đặt ra vấn đề, muốn tăng khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội, cần ưu tiên đầu tư vào các dịch vụ công. Cụ thể như đầu tư vào các chương trình chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non, đặc biệt là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Qua đó giải phóng thời gian cho phụ nữ có thể làm các công việc được trả lương và tham gia vào các hoạt động giải trí, tái tạo sức lao động.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng: “Việc san sẻ, tạo điều kiện để giảm bớt gánh nặng chăm sóc không lương với phụ nữ là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, của cộng đồng và chính quyền các cấp. Những kết quả của nghiên cứu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện và tổng thể hơn trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào việc thực hiện Mục tiêu 6 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là Đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực giới”./.
Công việc chăm sóc không lương là những dịch vụ liên quan đến công việc nhà và chăm sóc cho các thành viên trong gia đình mà không được trả lương, bao gồm chăm sóc, làm việc nhà và các công việc tự nguyện vì cộng đồng. Qua lịch sử và ở nhiều nơi, những công việc nhà như nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc trẻ em, người già, các thành viên trong gia đình và các công việc không tên được coi là việc của phụ nữ |
Theo VOV
.