Mẹ liệt sỹ chưa được hưởng chính sách dù con đã hy sinh 48 năm
Liệt sỹ Nguyễn Văn Hùng hy sinh năm 1969, có giấy báo tử năm 1987, nhưng đến nay mẹ liệt sỹ vẫn chưa được hưởng chính sách chế độ của Nhà nước.
Sau gần 50 năm sống trong nỗi tủi nhục vì tin đồn con trai cả phản cách mạng theo địch, đến nay cụ Lê Thị Yến (93 tuổi), trú tại thôn Yên Bình, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh mới biết tin về con trai đã hy sinh trong quá trình chiến đấu.
Bao năm qua cụ Yến đã khóc cạn nước mắt, mong ngóng tin tức con trai từng ngày. |
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Ba, cháu nội cụ Lê Thị Yến cho biết cụ là vợ của liệt sỹ Nguyễn Văn Khánh. Cụ Yến có 3 người con, hai con trai, một con gái.
Năm 1966, con trai lớn của cụ là Nguyễn Văn Hùng viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Sau đó không lâu, gia đình cụ Yến suy sụp khi nhận tin đồn anh Hùng bỏ trốn theo địch. Kể từ đó, gia đình cụ Yến không nhận được bất cứ giấy tờ, tin tức nào liên quan đến con trai. Đến nay đã gần 50 năm, cụ Yến sống trong sự mòn mỏi đợi chờ tin tức về con. Đã nhiều lần cụ Yến và các cháu nhờ người tìm kiếm thông tin, gửi đơn lên các cơ quan chức năng hỏi về trường hợp của anh Nguyễn Văn Hùng nhưng đều bặt vô âm tín.
Mới đây, anh Ba tình cờ biết được thông tin về việc bác ruột của anh là Nguyễn Văn Hùng có giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công qua một người bạn làm trong ngành. Ngày 23/8/2017, anh Ba lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh để xác minh thông tin thì bất ngờ nhận được giấy báo tử của bác ruột.
Theo thông tin trên giấy báo tử, anh Nguyễn Văn Hùng là liệt sỹ, hy sinh ngày 20/7/1969 tại Cồn Tiên, Dốc Miếu (Quảng Trị) khi đang chiến đấu, thi hài được mai táng tại nghĩa trang mặt trận. Giấy báo tử do Đại tá Nguyễn Hữu Quyền, Cục trưởng Cục Chính Sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng ký ngày 26/7/1987. Mặt sau giấy báo tử có ghi rõ: “Họ và tên, địa chỉ thân nhân hiện nay: Mẹ Lê Thị Yến, đội 4, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ An”.
Anh Nguyễn Văn Ba chia sẻ: “Bao năm qua gia đình tôi vẫn phải sống trong tủi nhục, mang tiếng là bố liệt sỹ, nhưng con lại theo địch. Bao năm qua, bà tôi vẫn mòn mỏi từng ngày mong ngóng tin tức của bác tôi, dù còn sống hay đã chết, cũng muốn biết tin, nhưng đều không thấy. Đến nay khi nhận được tin bác tôi đã hy sinh trong chiến đấu chứ không phải bỏ trốn theo địch, bà và gia đình tôi vui hơn, không còn day dứt như trước đây nữa. Chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ, giải quyết cho gia đình”.
Để xác minh thông tin trên, phóng viên đã phỏng vấn ông Phạm Văn Công, Phó trưởng phòng Người có công Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh. Ông Công cho biết năm 2000, Bộ có chuyển về 6000 hồ sơ liệt sỹ cho tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có hồ sơ của liệt sỹ Nguyễn Văn Hùng. “Hồ sơ Bộ gửi về chưa đầy đủ, chỉ có giấy báo tử, hơn nữa Bộ gửi về để ghép hồ sơ chứ không phải để giải quyết chính sách”.
Ông Công cho biết thêm: “Về nguyên tắc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thấu đáo, chứ không phải cơ quan xác lập hồ sơ ban đầu. Đặc biệt, anh Nguyễn Văn Hùng tham gia quân đội, nên việc xác lập hồ sơ phải do phía quân đội thụ lý”.
Ngay sau khi tiếp nhận được đơn thư của thân nhân vào ngày 23/8, Sở đã tiến hành chuyển hồ sơ đi các cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Quốc phòng, cục chính sách người có công, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Can Lộc để tiến hành giải quyết vụ việc.
Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có Công cho hay Bộ đang phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, tỉnh Hà Tĩnh để xác minh thông tin. Ông Lợi cũng xác nhận rằng năm 2000, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã bàn giao hồ sơ liệt sỹ Nguyễn Văn Hùng cho địa phương, trong đó có giấy chứng tử. Theo như trích lục của Cục Người có công, cụ Lê Thị Yến, thân nhân của liệt sỹ Nguyễn Văn Hùng có trong danh sách được cấp bằng Tổ quốc Ghi công cho mẹ liệt sỹ và đã chuyển về Hà Tĩnh. Đến nay, trước phản ánh của gia đình thân nhân liệt sỹ, Cục Người có công đang gấp rút xác minh lại thông tin, giải quyết chế độ cho gia đình liệt sỹ.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho hay đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ: “Đầu tiên là phải soát lại tính pháp lý của hồ sơ, nếu đúng thì phải xử lý kịp thời, còn nếu không đúng cũng phải được làm rõ”./.
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2016, cả nước vẫn còn gần 5.900 hồ sơ thương binh, liệt sỹ và người hưởng chế độ như thương binh chưa được công nhận, nên họ chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Hiện còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang còn thiếu thông tin, hơn 200.000 liệt sĩ hy sinh tại các mặt trận trong nước và mặt trận Lào, Campuchia chưa được quy tập về. Nhiều liệt sĩ không còn thân nhân để lấy mẫu giám định ADN.
Theo VOV