Hiệu quả từ công tác dạy nghề cho lao động nữ nông thôn
Điện Biên TV - Việc triển khai Chỉ thị 19-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được Hội LHPN tỉnh Điện Biên triển khai và đạt được những kết quả nhất định
Thực hiện Chỉ thị 19/TW ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; Quyết định số 1956/QĐ -TTg ngày 27/11/2009 của Chính phủ về phê duyệt Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng các đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Trong quá trình triển khai, thực hiện các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngành Lao động - Thương bình và Xã hội, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lồng ghép việc thực hiện đề án 295 với Đề án 1956 của Chính phủ, nhằm tăng tỷ lệ nữ được tham gia các lớp học nghề. Thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo nghề và đối tượng tham gia học nghề đảm bảo đúng quy định
Tổ chức tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, mở các lớp học nghề cho hội viên, phụ nữ; thông tin, tuyên truyền về thị trường lao động và chính sách xuất khẩu lao động tới hội viên, phụ nữ trên toàn tỉnh, nhằm thu hút lao động nữ sau khi học nghề tham gia xuất khẩu lao động, từng bước giải quyết việc làm cho lao động nữ ở vùng nông thôn.
Nghề dệt thổ cẩm tại HTX Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ. |
Phối hợp với các đơn vị Sở nông nghiệp, Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh, dự án SEED, trung tâm phòng chống HIV/AIDS mở các lớp dạy nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, thêu thổ cẩm… nhằm tạo công ăn, việc làm ổn định cho lao động nữ thuộc đối tượng yếu thế.
Hàng năm Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, quan tâm đến đối tượng phụ nữ thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, hộ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nơi thu hồi đất để phát triển công nghiệp. Tích cực tranh thủ các nguồn hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức 35 lớp bồi dưỡng kiến thức về chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho trên 3.000 hội viên phụ nữ tham gia học tập.
Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã vận động hội viên, phụ nữ nông thôn cho con, em đi học nghề may, đã phối hợp với Nhà máy may xuất khẩu Hiệp Hưng - Quế Võ - Bắc Ninh tổ chức đào tạo nghề và tạo việc làm cho 135 cháu là con em các dân tộc thiểu số của tỉnh. Giới thiệu việc làm cho 112 lao động nữ tại các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong và ngoài tỉnh. Từ đó góp phần nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo của tỉnh từ 35% lên 45% góp giảm tỷ lệ hộ đói nghèo toàn tỉnh, giúp đời sống của hội viên phụ nữ từng bước được nâng lên.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 19- CT/TW ngày 5/11/2012 của Ban Bí Thư kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn từ năm 2012 đến 2016 Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã xây dựng và thành lập 01 Hợp tác xã Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên có 30 thành viên tham gia, các thành viên đều là người dân tộc thiểu số. Hội đã tổ chức tập huấn, hỗ trợ trang thiết bị, trưng bày quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường cho Hợp tác xã, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh… góp phần duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Thái, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên.
Tổ chức triển khai thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cho 150 hộ của tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên và xã Chiềng Sinh, huyện Tuần giáo. Nhờ có sự hỗ trợ giống nguyên chủng, phân bón, thuốc BVTV và đặc biệt là được chuyển giao khoa học kỹ thuật nên diện tích lúa trong mô hình đạt năng xuất cao hơn. Hội viên phụ nữ đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật được chuyển giao vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Ngoài ra, còn có các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như nuôi thỏ, nuôi dê, nuôi nhím, nuôi gà đen, mô hình Tổ hợp tác Nuôi vịt bầu xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông và Tổ hợp tác Mây tre đan xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, thêu thổ cẩm… Đến nay Hội đã quản lý 15 mô hình tạo việc làm, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Học viên tham gia học nghề hầu hết là lao động nông thôn, nhiều học viên là lao động chính của gia đình, vì vậy đa số các cơ sở dạy nghề lựa chọn hình thức vừa học, vừa làm để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, bên cạnh đó người học nghề có sẵn các điều kiện về tư liệu sản xuất như: ruộng, vườn, vật nuôi, cây trồng...tại gia đình, là địa điểm thực hành trực tiếp trong quá trình học. Kết quả cho thấy đa số học viên sau khi học nghề đã tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức được học vào trong công việc lao động sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Các học viên sau khi được đào tạo nghề đã áp dụng kiến thức vào lao động sản xuất, kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, chất lượng, giúp người lao động tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Việc triển khai Chỉ thị 19-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham mưu tích cực của các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác dạy nghề, số lượng người tham gia học nghề hàng năm tăng.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng, thông qua đó người lao động được lựa chọn những ngành nghề phù hợp với bản thân và gia đình, học và phát huy được những điều đã học áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh đảm bảo có hiệu quả, tạo được việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Hương Trà