Đề xuất xây nhà 70 tầng ở ga Hà Nội: Bộ GTVT chính thức lên tiếng
Bộ GTVT đã nhận được bản quy hoạch khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, khu nhà 70 tầng trong quy hoạch không nằm trong lõi ga Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhà 70 tầng trong quy hoạch không nằm trong lõi ga Hà Nội. |
Liên quan đến bản quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận, trong đó có việc xây dựng nhà cao từ 40 - 70 tầng ở khu vực này, Bộ GTVT mới đây đã chính thức có ý kiến.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thì đây không phải là quy hoạch riêng cho ga Hà Nội mà là quy hoạch khu vực gồm cả khu Văn Miếu, Văn Chương, tổng diện tích 98ha trong khi đó ga Hà Nội chỉ 17ha.
Quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ Hà Nội việc nghiên cứu, quy hoạch phân khu ga Hà Nội và vùng phụ cận nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung của Thủ đô.
“Khi đã xem qua đồ án, thì đây là triển khai đồ án chung của quy hoạch Thủ đô và là quy hoạch chi tiết phân khu chức năng, trong đó có ga Hà Nội. Còn đối với khu vực lõi ga Hà Nội chưa thấy nhắc đến vấn đề làm nhà cao tầng trong lõi ga, nên việc tác động của nhà cao tầng ở lõi ga là chưa có”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Theo ông Đông, quy hoạch này phù hợp với quy hoạch không gian đô thị chung của Hà Nội. Cho nên về phía Bộ GTVT, chúng tôi đang giao cho các cơ quan chuyên môn đường sắt, đường bộ cùng nghiên cứu để cho ý kiến đồ án quy hoạch.
“Tuy nhiên, theo tôi, đánh giá chung, Hà Nội và TP. HCM đều đang quá tải về hạ tầng giao thông. Đất dành cho giao thông của cả 2 đô thị này chỉ 7–8%, trong khi đó, với một thành phố phát triển, con số này phải từ 16–26%, thậm chí với đối với đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM phải lớn hơn 26%. Chúng tôi sẽ xem xét, nghiên cứu về mật độ đường/1000 dân trong khu vực 98ha này để có đánh giá cụ thể về giao thông đối nội, đối ngoại", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
"Ngoài ra, với tư cách là cơ quan quản lý ngành, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm quy hoạch giao thông quốc gia, trong đó có quy hoạch đầu mối của đường sắt Hà Nội. Chúng ta vẫn xác định ga Hà Nội là ga trung tâm, sau này còn có chạy liên vận quốc tế", ông Đông cho biết thêm.
Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về quy hoạch xây dựng khu vực Ga Hà Nội và TP Hà Nội cần thận trọng khi quy hoạch khu vực này tới 70 tầng |
Theo quy hoạch mới nhất, đường sắt tốc độ cao sau này cũng vào tới ga Hà Nội. Do đó, phải tính cả mật độ này trong mật độ chung của giao thông tại khu vực Hà Nội đang quy hoạch. Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ có ý kiến thêm về bãi đỗ, tổ chức giao thông.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT khi làm tuyến đường sắt đô thị số 1 cần đặt vấn đề xây dựng thêm nhà văn phòng và thường mại để tăng thêm nguồn thu, tái đầu tư và yêu cầu Bộ GTVT có ý kiến vào bản quy hoạch chung của Hà Nội gồm có khu vực ga Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong đề án quy hoạch không có việc xây nhà cao tầng trong lõi ga nên việc tác động của nhà cao tầng vào lõi ga là không có.
"Do đó, chúng tôi sẽ góp ý với Hà Nội xem xét không gian được phép là bao nhiêu để triển khai các dự án xã hội hoá tại ga Hà Nội", Thứ trưởng Đông cho biết, giữa tháng 9, Hà Nội đã xin ý kiến các bộ ngành về đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận.
Đồ án quy hoạch do tư vấn Nhật Bản lập, ga Hà Nội ở vị trí hiện tại sẽ được bảo tồn nguyên trạng với mặt tiền nằm trên đường Trần Hưng Đạo.
Bản quy hoạch chia ga Hà Nội và vùng phụ cận thành 9 phân khu chức năng, với tòa nhà cao nhất 150 m (tương đương 40 tầng). Trong đó, khu ga đường sắt nằm ở trung tâm của quy hoạch; khu văn hóa gồm Văn Miếu và khu vực xung quanh được xác định bảo tồn, xây dựng công trình mới phải hạn chế chiều cao kiến trúc...
Vị trí quy hoạch thuộc địa giới hành chính các phường như Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên (quận Đống Đa); phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm); Điện Biên (quận Ba Đình); Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng).
Cũng theo tờ trình này, hiện dân số khu vực quy hoạch là 34.000 người, dự báo tăng thêm 10% dân số mỗi năm nên tổng dân số của đồ án sẽ là 44.000 người. Qua đó, Hà Nội sẽ tăng dân số khu vực nội đô (4 quận nội thành cũ) từ 800.000 người lên 824.000 người.
Tuy nhiên, theo đề xuất của Hà Nội, trong 9 phân khu, các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200 m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng./.
Theo VOV