Nhiều chứng chỉ, văn bằng giả được sử dụng công khai

Thứ Sáu, 29/09/2017, 15:17 [GMT+7]

Rất có thể có những người sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả đang ung dung thăng quan tiến chức, lãnh đạo những người học hành bài bản, có trình độ thực sự.
 
Sau hàng loạt vụ việc liên quan đến những cán bộ sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không hợp pháp để tiến thân bị phát giác, nhiều người cho rằng, nên tổ chức một đợt “tổng lực” rà soát bằng cấp để phát hiện, xử lý nghiêm minh.

Mới đây, chia sẻ trên báo chí, GS Phạm Minh Hạc cho hay, những năm 2002, ngành giáo dục phát động phong trào chống bằng giả. Riêng trong năm đầu, đã phát hiện tới 10.000 bằng giả. Hằng năm, việc làm này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng cấp giả hiện nay không có phong trào sâu rộng như khi đó.
 

1
 Ảnh minh họa


Có lẽ vì phong trào phát hiện bằng giả không còn sâu rộng nên nạn sử dụng bằng giả có đất để hoành hành. Thêm vào đó, việc làm bằng giả lại quá dễ dàng, thậm chí thỉnh thoảng còn được rao bán công khai trên mạng Internet. Và lực lượng công an, lực lượng chức năng cũng đã từng phá nhiều vụ án với hàng ngàn bằng cấp, giấy tờ giả thế nhưng chắc là vẫn chưa phát hiện hết số bằng cấp giả đã được đưa vào hồ sơ của không ít người trong hệ thống các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Để “chắc ăn” nhiều người cũng đã bỏ thời gian, tiền bạc và không cần công sức để có tấm bằng hợp pháp. Đó chính là những tấm bằng thật nhưng học giả. Thế mới có chuyện, cử nhân, thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ ra đời mà vẫn "ù ù, cạc cạc", chẳng làm được việc gì; tỷ lệ người có bằng cấp thất nghiệp không phải nhỏ...Với những người có bằng thật học giả, không có cách nào để loại trừ ngoài việc phải làm thật nghiêm qui trình đào tạo. Nhưng việc đố cũng không dễ.

Thực tế hiện nay bệnh sính bằng cấp đã tạo điều kiện cho những kẻ sản xuất bằng giả có nơi tiêu thụ và gây lãng phí xã hội rất lớn. Đơn cử như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hiện nay có mấy người đi học và đi thi thực sự. Nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học mở ra chỉ để bán chứng chỉ. Thế nhưng trong hồ sơ tuyển dụng, thi cử lúc nào cũng yêu cầu phải có 2 loại chứng chỉ này. Đơn vị tuyển dụng, tổ chức thi hoàn toàn có thể kiểm tra trình độ tin học, ngoại ngữ của thí sinh bằng việc thực hành trên máy và thi vấn đáp.

Nhiều người đi làm hàng chục năm, sử dụng máy tính thành thạo, nhưng nếu có biến động công việc vẫn phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ kèm trong hồ sơ. Bận đi làm, có mấy người ra trung tâm để thi, thế là họ tìm cách mua chứng chỉ. Và ai cũng biết, chứng chỉ đó hầu như đi “mua” nhưng vẫn được chấp thuận sử dụng và mọi người đã quá quen với việc đó.

Với nạn sử dụng bằng giả tràn lan như hiện nay, rất có thể những người sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả đang ung dung thăng quan tiến chức, lãnh đạo những người học hành bài bản, có trình độ, năng lực thực sự. Rất cần có một đợt tổng rà soát các văn bằng, chứng chỉ, trước mắt là trong hệ thống nhà nước, đặc biệt là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý./.

 

Theo VOV

.