Người Việt Nam đã sống thọ nhưng chưa sống khỏe

Thứ Năm, 28/09/2017, 16:15 [GMT+7]

Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng gánh nặng bệnh tật cũng cao hơn.
 
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên nhưng số tuổi sống khỏe mạnh vẫn thấp. Tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh cao. Vì vậy, chính sách để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề cần được quan tâm.

Theo số liệu của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng gánh nặng bệnh tật cũng cao hơn. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Trong đó, đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính và các bệnh mới như ung thư, trầm cảm về tâm thần...
 

1
Người cao tuổi Việt Nam đang chịu gánh nặng bệnh tật kép


Chi phí điều trị trung bình cho một người cao tuổi thường cao gấp 7-8 lần so với chi phí điều trị cho một trẻ em. Độ tuổi càng cao, rủi ro về khuyết tật càng tăng, hoặc số ngày nằm trên giường bệnh càng cao.

Trong số người cao tuổi đang gặp khó khăn với các hoạt động thường ngày, có trên 90% cần người hỗ trợ. Trường hợp ông Trần Mạnh Thục ở Nam Định là một ví dụ. Sống chung với bệnh tật từ hơn 10 năm nay, tiền lương hưu ít ỏi của ông Thục chủ yếu dành cho việc mua thuốc chữa bệnh.

Ông Trần Mạnh Thục cho biết: “Có những biểu hiện không bình thường, đau vùng bụng, tức ngực. Cứ 4,5 tháng tôi đi khám một lần. Thường tôi đi ở tuyến tỉnh, tuyến huyện. Nói chung là nhiều thứ bệnh lắm, nhất là đường tiêu hóa, tim mạch, gan, thận rồi cả cột sống cũng có vấn đề. Bị bệnh nhiều lúc cũng có phiền phức nhưng được sự quan tâm của con cháu, anh em trong gia đình nên chế độ ăn uống, nghỉ, đi lại thì mình biết kiềm chế cũng đỡ tác hại”.

Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% tổng dân số, trong đó có trên 2 triệu người trên 80 tuổi. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi). Việt Nam là nước có tốc già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Hơn 65% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi.

Theo ông Lê Ngọc Trọng, Nguyên Thứ trưởng bộ y tế, Chủ tịch Hội Bác sĩ Gia đình Việt Nam, cần tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung vào quản lý bệnh mãn tính của người cao tuổi. Đặc biệt là nâng cao vai trò của bác sỹ gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ thay đổi lối sống và phòng bệnh, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và năng động...

Ông Lê Ngọc Trọng cho rằng: "Với mô hình bệnh tật của người cao tuổi mắc nhiều bệnh mãn tính nên chăm sóc tại nhà là quan trọng, vai trò trạm y tế xã là quan trọng. Phải quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở để y tế cơ sở đủ sức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng và người dân nói chung tới gia đình và cộng đồng”.
 

1
GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Viện Lão khoa Quốc gia


Giáo sư, Tiến sỹ (GS.TS) Phạm Thắng, Giám đốc bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng cùng chung quan điểm này. Hiện nay, hầu hết người cao tuổi sống ở cộng đồng. Vì vậy, vấn đề mấu chốt là nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở. Xu hướng chung của quốc tế là cố gắng giữ người già ở gia đình, cộng đồng càng lâu càng tốt chứ không phải vào bệnh viện. Để làm được điều đó, cần phát triển hệ thống dịch vụ y tế ở cộng đồng.

GS.TS Phạm Thắng phân tích, trước đây, khi dân số trẻ, y tế cơ sở đã giải quyết vấn đề rất lớn của đất nước, đó là tiêm chủng mở rộng, kế hoạch hóa dân số, chăm sóc các bệnh lý cấp tính của phụ nữ, trẻ em. Nhưng hiện nay đối tượng chăm sóc của y tế cơ sở đã thay đổi, là người già. Vì vậy, chức năng chính của hệ thống y tế cơ sở là kiểm soát các bệnh mãn tính, chủ yếu bệnh mãn tính của người già. Mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta mới bắt đầu đi vào hoạt động, nhưng tương lai phải phát triển mạnh mô hình này.

GS.TS Phạm Thắng cho biết: “Bộ Y tế đang có hướng dẫn để đưa nhiệm vụ mới, quy định các gói khám chữa bệnh cơ sở, cho họ được phép khám chữa bệnh đối tượng nào, bảo hiểm y tế chi trả như nào; cơ chế về tài chính như thế nào cho hợp lý. Bên cạnh đó là cơ chế điều phối, chuyển tuyến từ hệ thống y tế cơ sở lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Đây là việc làm không phải ngày một ngày hai nhưng chúng ta đang đi theo hướng như vậy và tôi nghĩ đây là hướng đi đúng”.

Người cao tuổi không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho con cháu mà còn là những người có nhiều kinh nghiệm, trí tuệ, có thể tiếp tục đóng góp cho xã hội.

Chính vì thế, việc huy động sự tham gia của mọi thành phần xã hội để tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; kết hợp giữa chăm sóc tại gia đình, ở cộng đồng, với chăm sóc tại các cơ sở của Nhà nước đang là nhu cầu cần nhanh chóng giải quyết, đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang có tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay./.

 

Theo VOV

.