Một chủ trương đúng hướng trong công tác xóa đói giảm nghèo

Thứ Bảy, 02/09/2017, 08:25 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên về việc phân công các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn giai đoạn 2011-2015. Thời gian qua, các ngành đã tập trung phát huy những lợi thế của ngành để đa dạng hóa các hình thức giúp đỡ, hỗ trợ. Góp phần làm cho diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh có những chuyển biến rõ nét.

Tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 130 xã, phường, thị trấn (trong đó có 29 xã biên giới, 101 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn). Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên trên 9.500 km², nhưng hơn ba phần tư diện tích là đồi núi cao, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn... là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1
Hoạt động của Đoàn Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới tại xã Tìa Dình - huyện Điện Biên Đông (Điện Biên).

 

Chính vì thế, trong những nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy luôn chú trọng xây dựng các chương trình hành động, nghị quyết chuyên đề để giúp đỡ các xã khó khăn, nhất là thông báo số 188-TB/TU ngày 26/12/2011 của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương phân công các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn gia đoạn 2011-2015. Để triển khai thực hiện Thông báo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 182-QĐ/UBND ngày 26-3-2012 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phân công nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành giúp đỡ các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2015.

Theo đó, 6 năm qua, thực hiện chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy và quyết định của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể cho các bộ phận, cán bộ, đảng viên tích cực huy động nguồn lực tại chỗ và các nguồn lực khác từ xã hội để giúp đỡ các xã khó khăn vươn lên thoát nghèo. Các huyện, thị, thành ủy có văn bản phân công các cơ quan, ban ngành cấp huyện giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn ở địa phương. Qua đó, các cơ quan, đơn vị đã chủ động phối hợp với đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, nắm tình hình và bàn biện pháp giúp đỡ thiết thực, hiệu quả. Đồng thời phân công cán bộ giữ mối liên hệ thường xuyên với Đảng ủy, UBND và UBMTTQ xã để trao đổi, nắm bắt kịp thời các đề xuất, kiến nghị xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương phù hợp với khả năng, điều kiện của cơ quan, đơn vị mà có biện pháp giúp đỡ phù hợp.

Đơn cử như xã Mường Nhà và Na Tông (huyện Điện Biên) từng được biết đến, đều là những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân còn thiếu thốn, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm gần 60%. Năm 2012, xã Mường Nhà và Na Tông được Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên nhận giúp đỡ. Qua xem xét thực tế, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã đứng ra khớp nối, vận động nhiều tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay quyên góp mua bò, dê sinh sản, các hiện vật hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo ở 2 xã trị giá trên 1 tỷ đồng. Đến nay, tổng số đàn bò đã phát triển lên 121 con và nhiều hộ khó khăn nhờ chăn nuôi bò sinh sản đã từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giảm hộ nghèo của 2 xã từ gần 60% năm 2013 xuống còn 45% năm 2016.
Cùng với đó, Dự án trồng 16.000 cây Tông dù, 14.000 cây Sơn tra (Táo mèo) triển khai trên diện tích gần 20ha ở xã Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) là kết quả hỗ trợ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện thực hiện giúp bà con xóa đói giảm nghèo bền vững. Đồng thời hỗ trợ 105.000.000 đồng cho 15 hộ nghèo vay vốn luân chuyển để chăn nuôi trâu, bò sinh sản và tạo sức kéo; đến nay đàn trâu đã phát triển lên được 19 con.

Bên cạnh đó là Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên là đơn vị được phân công giúp đỡ xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) có cách hỗ trợ khác. Lãnh đạo Sở mời các chuyên gia chăn nuôi, trồng trọt xuống tận nơi tập huấn cho bà con để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Còn ở Sở Công Thương, đơn vị được phân công giúp đỡ xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Đông) đã hỗ trợ mở 2 lớp đào tạo sửa chữa cơ khí cho 70 lao động tại xã; 2 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 60 lao động địa phương; tổ chức Hội chợ đưa hàng Việt về xã Mường Luân theo chương trình xúc tiến thương mại…

Xã Nà Hỳ, xã biên giới hiện nay của huyện Nậm Pồ, cuộc sống của nhân dân đã cơ bản ổn định, diện mạo xã đang ngày càng khởi sắc. Tuyến đường dài 12km từ trung tâm xã Nà Hỳ đến bản Sam Lang được đầu tư, mở rộng; 10 ha đất sản xuất được khai hoang, phục hóa; hàng chục km đường giao thông nông thôn được tu sửa và làm mới đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện và thúc đẩy phát triển kinh tế; điện lưới quốc gia về bản mang theo ánh sáng văn minh, thắp sáng niềm hy vọng vươn lên thoát nghèo. Với trên 2 tỷ đồng đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà bán trú đẹp đẽ, khang trang, tạo điều kiện cho con em các đồng bào dân tộc thiểu số được học hành; trạm Y tế quân - dân - y kết hợp góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân... Tất cả những công trình ấy đều mang đậm dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Điện Biên, đơn vị nhận giúp đỡ 2 xã Nà Hỳ và Nà Bủng.

1
Bộ đội Biên phòng Đồn Mường Mươn, huyện Mường Nhé (Điện Biên) giúp dân xây dựng nhà mới, định canh, định cư phát triển kinh tế xã hội trong Chương trình giúp đỡ xã khó khăn.

 

Đồng chí Muà A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Trong 6 năm qua, mỗi cơ quan, đơn vị ở Điện Biên đều có mô hình giúp đỡ thiết thực, hiệu quả đối với từng xã nghèo trong tỉnh. Những cách làm mới, phù hợp thực tế đã góp phần cải thiện đời sống người dân vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Nhiều mô hình kinh tế, khuyến nông khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, tư liệu sản xuất; hỗ trợ học nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh có những chuyển biến rõ nét. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 50,01% năm 2010 xuống còn 28,01% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015).

Việc phân công nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương giúp đỡ các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh là một chủ trương đúng hướng trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các xã khó khăn. Nhất là việc thông qua các hoạt động giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo, cán bộ sẽ có nhiều cơ hội gần dân hơn, bám sát cơ sở, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó có những ý tưởng, kịp thời tham mưu để cấp ủy, chính quyền điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, ngoài việc nỗ lực của các ban, ngành trong tỉnh thì vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân mà họ không tự vươn lên; tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn còn cao, tình trạng di dịch cư tự do vẫn còn tiếp diễn, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây cũng là những thách thức lớn và nhiệm vụ nặng nề đối với tỉnh Điện Biên và các ngành giúp đỡ xã khó khăn trong thời gian tới./.

 

Phong Lâm
                                                                                        

.