Khi những cánh rừng ngã...!

Thứ Tư, 09/08/2017, 18:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ký ức về những khu rừng Điện Biên xanh ngút ngàn, cây gỗ cổ thụ to cả chục người ôm không xuể, những thác nước ầm ầm cuộn chảy, vang vọng giữa cánh rừng đại ngàn dường như đã vơi dần khi những cánh rừng lần lượt “ngã” xuống.

f
Điện Biên mất rừng, điều không mơ mà thực

 

Điện Biên những ngày đầu tháng 7, những cơn mưa dầm rơi không ngớt hạt, nước lũ từ trên đỉnh đồi lao xuống, đục ngầu và cuốn trôi tất cả mọi thứ ở nơi nó đi qua. Đó là hậu quả khi những cánh rừng Điện Biên đang bị hủy hoại. Khi những cánh rừng ngã xuống, người ta nhận được gì và mất đi những gì?

Điện Biên là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, phương thức sản xuất cố hữu của đa số người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên là làm nương rẫy, phụ thuộc vào nương rẫy. Người dân nghèo, trình độ dân trí thấp, có thể họ đơn giản nghĩ không sản xuất thì cái đói, cái nghèo sẽ vây quanh, họ vác dao “trảm” rừng, những cánh rừng Điện Biên mất đi từ đó. Minh chứng rõ ràng cho thấy Điện Biên mất rừng khi tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Điện Biên giảm từ 41,01% vào năm 2014 xuống còn 38,5% vào năm 2015, giảm xuống thấp nhất khu vực Tây Bắc.

Năm 2015, diện tích lúa nương toàn tỉnh Điện Biên là 23.445,38ha, năng suất thấp, chỉ đạt 14,43 tạ/ha. Trong khi đó, với địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, đồng nghĩa với tốc độ bào mòn, thoái hóa đất càng nhanh. Những khoảnh nương chỉ canh tác được 1, 2 năm, rồi thoái hóa bạc màu thì dân lại bỏ hoang, tiếp tục đốn hạ những khu rừng còn độ màu mỡ để canh tác. Khi những cánh rừng ngã xuống, hệ lụy của nó là không thể lường hết: Nguồn nước cạn kiệt, đất trồng hoang hóa, lũ ống, lũ quét vì đó mà thành. Họ cũng đâu biết rằng chính mình đang phá hoại cuộc sống của mình.

Những năm gần đây, làn sóng di dân cư tự do vào huyện Mường Nhé diễn biến phức tạp dẫn đến tình hình an ninh trên địa bàn bị xáo trộn. Đặc biệt, nhiều cánh rừng bị người dân di cư tự do đốn hạ để lấy đất làm nương. Đơn cử xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, một trong những điểm nóng của tình trạng di cư tự do cũng là điểm nóng của tình trạng phá rừng. Năm 2017, xã Leng Su Sìn đã cấp mới sổ hộ khẩu cho 2 bản Cà Là Pá và Cà Là Pá 1 với 160 hộ, 964 khẩu. Điều đáng nói là các hộ dân này đều là dân di cư tự do từ các địa phương khác đến, vì không có đất sản xuất, họ đã tự ý phá rừng làm nương rẫy. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn xã Leng Su Sìn đã phát hiện 29 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá gần 36,4ha. Nếu không kịp thời vào cuộc ngăn cản, thì không lâu nữa, địa phương này sẽ chẳng còn rừng để mất.

d
Những cánh rừng Điện Biên trở thành những khoảnh nương loang lổ, thoái hóa

 

Điện Biên mất rừng, kéo theo đó là những hệ quả của sự biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, 5 năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Rét đậm, rét hại, mưa lớn, lốc xoáy, lũ lụt, sạt lở đất... xảy ra nhiều hơn gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Từ năm 2012 - 2016, toàn tỉnh có 5.601ha ruộng lúa bị sạt lở, bồi lấp, rửa trôi; 302ha ruộng lúa mất trắng vì ngập lụt; 1.256ha ruộng lúa bị thiệt hại trên 70%; 287ha lúa nương bị sạt lở; 170ha ngô mất trắng; 410ha rau màu ngập úng; 142ha cà phê bị bồi lấp; 12.366 cây cao su đổ, gãy; 500ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; 4.100 con gia súc bị chết do thiên tai... cùng hàng trăm công trình thủy lợi và hàng trăm kilômet kênh mương bị cuốn trôi, vùi lấp, tổng thiệt hại ước tính 1.333 tỷ đồng. BĐKH cũng làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch hại, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng trong sản xuất, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực phát triển trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, như: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo.

Tính riêng đợt rét đậm, rét hại vào tháng 1/2016, đã làm cho 3.566,8ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn và 316,63ha thiệt hại từ 30 - 70%; 1,6ha hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn; 5,1ha lạc và gần 267ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại từ 30 - 70%; 1.904ha rừng thiệt hại hoàn toàn, 187ha thiệt hại từ 30 - 70% và 1.920ha thiệt hại dưới 30%; hơn 3.000 con gia súc và 1.631 con gia cầm bị chết; 0,92ha thủy sản bị thiệt hại... ước tính thiệt hại lên tới 158 tỷ đồng.

Không khó để lý giải nguyên nhân khi các địa phương là điểm nóng của tình trạng phá rừng như huyện Mường Nhé, Điện Biên Đông, Điện Biên... lại chính là những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai. Lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất... thiệt hại nặng nề về người và của khiến người dân điêu đứng.

Người dân bản Tâu, bản Nà Ten, bản Nà Hý xã Hua Thanh, huyện Điện Biên chưa thể quên hai trận lũ lớn ngày 23/7/2011 và ngày 31/7/2012. Ngày 23/7/2011, sau trận mưa lớn kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, nước suối Nậm Luống dâng cao, khiến các bản Nà Ten, Nà Hý, bản Tâu của xã Hua Thanh ngập trong biển nước. Tài sản, vật nuôi của hàng trăm hộ dân ở các bản này đã bị dòng lũ cuốn trôi trong đêm. Trên chục ha ruộng nước đã gieo cấy bị mất trắng. Cầu bản Tâu cũng hư hỏng nặng. Ngày 31/7/2012, trận lũ lớn thứ hai lại quét qua khu vực này, gây thiệt hại 30 ha ruộng nước, ao nuôi của người dân. Hệ thống thủy lợi nội đồng và đường ống nước sạch trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Mố cầu bản Tâu cũng bị đánh sập... Hai năm liên tiếp, nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân ở khu vực bản Tâu, bản Nà Ten, Nà Hý, xã Hua Thanh bị lũ quét tàn phá. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng hai trận lũ lịch sử này khiến cho người dân lao đao...

Đáng buồn hơn khi biết được nguyên nhân gây ra những trận lũ này là do diện tích rừng ở khu vực thượng nguồn dòng suối đã bị chặt phá để làm nương. Đất bị xói mòn, rửa trôi, trở thành đồi trọc khô cằn. Cùng với lòng suối hẹp, lại chảy trên địa hình dốc và hoàn toàn không có thảm thực vật giúp điều hòa dòng chảy, nên dòng suối trở nên hung hãn khi mùa mưa lũ tới.

Tháng 7 năm 2014, nhân dân xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ đã chứng kiến trận lũ lịch sử trong hơn 30 năm qua. Nước từ những khe suối đổ về gây ngập lụt hàng chục ha hoa màu, nhà cửa của nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng các hạng mục công trình đầu tư của Nhà nước như: công trình điện lưới quốc gia, hệ thống cầu, cống... Người dân ở vùng biên giới Nà Hỳ không thể nghĩ có ngày ngập lụt lại xảy ra với một địa bàn vùng cao, những thiệt hại do lũ gây ra vẫn khiến nhiều người dân bàng hoàng, lo lắng. Mà nguyên nhân cũng lại là do những ngọn đồi ở địa phương này đã vắng bóng cây cao.

Tính riêng 7 tháng đầu năm 2017, các loại hình thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và của đối với tỉnh Điện Biên, ước tính thiệt hại trên 123 tỷ đồng. Hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, hàng nghìn ha hoa màu bị đất đá vùi lấp, nhiều địa phương bị cô lập,... nhưng đáng buồn hơn khi mưa lũ đã có 8 người thiệt mạng, những đau thương, mất mát khi nào mới nguôi ngoai?  

d
Hậu quả là những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

 

Có thể thấy, khi các khu rừng trồng mới chưa kịp lớn, các khu rừng nguyên sinh bị tàn phá với tốc độ nhanh hơn trồng mới thì những thiệt hại mà thiên tai đem đến cho con người ngày càng khốc liệt.

Không còn rừng và thảm thực vật giữ nước, những dòng suối nhỏ mùa này luôn ở trong tình trạng khô kiệt. Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Điện Biên không phát huy hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do tình trạng phá rừng ngày càng nhiều, ảnh hưởng của BĐKH nên nguồn nước cạn kiệt dần, các hồ, đập thủy lợi bị bồi lắng nhanh, dung tích giảm nên hiệu quả tưới đạt thấp. Từ đó mà nhiều diện tích ruộng bị hoang hóa.

Ai cũng biết, rừng Điện Biên có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông và một số phụ lưu sông khác. Việc Điện Biên mất rừng không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông ghiệp địa phương mà còn ảnh hưởng ít nhiều đến việc điều tiết nước cho vùng hạ du để sản xuất nông nghiệp và cung cấp nguồn nước cho các công trình thủy điện trọng yếu của Quốc gia.

Có lẽ, gánh nặng ngăn chặn phá rừng ở Điện Biên sẽ được giảm bớt khi và chỉ khi “bài toán” kinh tế của người dân được đảm bảo. Thế nhưng, kết quả tổng điều tra năm 2015 theo chuẩn giảm nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Điện Biên còn 57.214 hộ nghèo (chiếm 48,14%) và 9.135 hộ cận nghèo(chiếm 7,69%). Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 60,8%. Khi nào người dân mới hết nghèo? Khi nào mới thôi chặt phá rừng? Khi nào rừng mới xanh trở lại?

“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. Khi phải gánh chịu hệ quả khi những cánh rừng lần lượt ngã xuống cũng là lúc cần thức tỉnh con người phải trả lại những gì đã “vay” của rừng./.

 

Hà Thuận
 

.