Chuyển biến sau giám sát thực hiện chính sách đất đai
Điện Biên TV - Qua giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay”, của HĐND tỉnh đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém và biện pháp khắc phục; qua đó góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian tới.
Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (1/7/2014), tỉnh Điện Biên đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đầy đủ những nội dung cơ bản của Luật. Đồng thời, triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Tỉnh đã tiếp tục thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011-2015; hoàn thành trình HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 -2020; xác định được diện tích trồng lúa nước cần phải bảo vệ nghiêm ngặt là 12.401 ha.
Ngoài ra, tỉnh cũng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 89,9% diện tích đất sản xuất, cơ bản đã thực hiện xong việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/02/2013 của UBND tỉnh. Nâng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh từ hơn 724.000ha năm 2014 lên gần 729.000ha vào năm 2016; tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu phát triển nông, lâm nghiệp, tiếp tục tăng diện tích khoanh nuôi bảo vệ rừng, tăng diện tích che phủ rừng.
Bước đầu hình thành những vùng kinh tế nông - lâm nghiệp trọng điểm như: Mường Ảng - Tuần Giáo, Điện Biên - Mường Chà; khu vực rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên quốc gia tại huyện Mường Nhé. Từ đó, hiệu quả sử dụng đất tiếp tục được nâng lên, tăng sản lượng lương thực, hạn chế đáng kể tình trạng du canh du cư, bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh. Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
HĐND tỉnh giám sát tình hình quản lý sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Mường Nhé. (Trong ảnh: Đoàn giám sát HĐND tỉnh đi kiểm tra thực tế tại bản Mường Toong 6, xã Mường Toong.) (Ảnh KT) |
Thực hiện trình tự, thủ tục về chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo quy định, toàn tỉnh đã thu hồi hơn 100ha đất trồng lúa, 10,8ha đất rừng phòng hộ, 993,7ha đất nông nghiệp khác. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý sử dụng đất nông nghiệp theo quy định. Đồng thời, đã thống nhất giải quyết được 14/19 điểm tranh chấp với tỉnh Sơn La và tiếp tục xem xét giải quyết các điểm tranh chấp địa giới trong tỉnh và với các tỉnh Sơn La, Lai Châu.
Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIV, đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: "Qua giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay” cho thấy, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, đáp ứng ngày càng tốt trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu phát triển nông, lâm nghiệp, hình thành những vùng kinh tế... tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý, sử dụng đất đai vẫn còn diễn ra. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và biện pháp khắc phục nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian tới."
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp như: Việc quy hoạch và thực hiện kế hoạch sử dụng đất chưa sát với tình hình thực tiễn; Đất dành cho sản xuất nông nghiệp giảm nhiều (từ năm 2014 đến nay giảm 2.588ha); Tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích diễn biến phức tạp, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa bảo đảm quy định; Việc sử dụng đất nông nghiệp còn manh mún, gây khó khăn cho việc thực hiện cánh đồng lớn; Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành theo tiến độ; Còn nhiều dự án có thu hồi đất nông nghiệp chậm hoặc không có khả năng thực hiện; Việc triển khai các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp còn lúng túng; Chưa tạo ra được sự liên kết để nâng cao hiệu quả trong quản lý sử dụng đất nông nghiệp; Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp còn khó khăn; Tình trạng di dịch cư tự do, đốt phá rừng, khiếu kiện về đất đai, tranh chấp địa giới hành chính còn diễn biến phức tạp và chưa được giải quyết kịp thời.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai chưa đạt hiệu quả, công tác quản lý Nhà nước về đất nông nghiệp chưa đạt yêu cầu; Trình độ, ý thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai chưa tốt; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng đất nông nghiệp chưa kịp thời, nghiêm minh. Thêm vào đó, tập quán canh tác của nhân dân chậm đổi mới, chưa tạo được cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hiệu quả lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Trong thời gian tới, tỉnh nên tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện tốt kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, tập trung hoàn thành tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao rừng. Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp liên kết doanh nghiệp với nông dân để tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn, cơ cấu lại nông nghiệp. Mặt khác, rà soát và thu hồi những dự án chuyển mục đích sử dụng đất chậm triển khai và tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật./.
Phương Thu