BOT không minh bạch hiện hữu những rủi ro cho nền kinh tế
Phía sau dự án BOT là những con số chưa rõ ràng, không có nhà đầu tư nào “vạch áo cho người xem lưng”, công khai con số thực về dự án BOT của mình.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ này quản lý đã lên đến trên 444.000 tỉ đồng, trong đó, huy động nguồn vốn tư nhân là 186.660 tỉ đồng (chiếm 42%). Nguồn vốn này thực chất đều đi vay tín dụng ở các ngân hàng thương mại. Trong điều kiện hành lang pháp lý cho các dự án BOT còn chưa rõ ràng, thì việc rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả nền kinh tế là điều dễ hiểu.
Nhà đầu tư BOT Cai Lậy "dọa" sẽ trả lại dự án cho Bộ GTVT nếu phải di dời trạm. Khi đó khoảng tiền vay hơn 1.000 tỉ chắc chắn sẽ là khoảng nợ sấu, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. |
Dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy tỉnh Tiền Giang có chiều dài 38,5km với các hạng mục cải tạo, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài 26,4 km, xây dựng mới tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1km.Tổng mức đầu tư dự án này trên 1.398 tỷ đồng với thời gian thu 6 năm, 5 tháng…
Điều đáng nói là khi đưa vào thu phí thì người dân đã phản ứng tiêu cực khiến Bộ GTVT đã giảm phí tới 30%. Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa xong vì theo người dân thì do trạm thu phí này đặt không đúng chỗ và phải di dời trạm vào tuyến đường tránh mới đúng.
Trước yêu cầu này, Bộ GTVT cho rằng không di dời trạm vì Trạm thu phí này nằm trong phạm vi dự án và có quyền thu phí đúng quy định. Nhà đầu tư thì cho rằng sẽ trả lại dự án nếu phải di dời trạm.
Ông Lưu Văn Hào – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Cai Lậy bày tỏ: Sự việc xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy là điều không ai mong muốn, sự việc đã ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp. Chúng tôi chẳng bao giờ muốn di dời vì nó sai tất cả phương án, kế hoạch ban đầu chúng tôi kinh doanh và trước khi chúng tôi quyết định đầu tư.
Ông Lưu Quang Hào - đại diện nhà đầu tư BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang |
“Bây giờ chỉ trông chờ vào Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước giải quyết thế nào để đáp ứng yêu cầu của chúng tôi. Còn không thì trên cơ sở hợp đồng, một là trả lại nhà nước, nhà nước trả lại tiền, còn tỉnh mà có tiền thì trả chúng tôi chúng tôi đi chỗ khác đỡ đau đầu theo kiểu như này”, ông Hào nói.
Theo ông Hào, tỉnh Tiền Giang có chủ trương đầu tư tuyến tránh Cai Lậy nhưng không thu xếp được vốn, sau đó Bộ GTVT duyệt dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, nếu dự án chỉ làm tuyến tránh Cai Lậy thì phương án tài chính không đảm bảo, vì vậy mục tiêu là đầu tư 12km tuyến tránh và nâng cấp 26,5km Quốc lộ 1.
Đại diện nhà đầu tư BOT Cai Lậy cho biết, thấy dự án khả thi và được tổ chức tín dụng chấp thuận cho vay vốn nên mới dám làm. Số kinh phí bỏ ra chủ đầu tư chỉ có hơn 16% vốn, còn lại là tiền của các tổ chức tín dụng. Hiện doanh nghiệp đang phải trả lãi hàng tháng nên rất khó khăn.
Nếu đúng kịch bản “vỡ trận” ở Cai Lậy và nhà đầu tư trả dự án, Bộ GTVT phải trả tiền cho họ thì đây chính là điển hình của sự rủi ro đầu tư BOT mà như trước đây chúng tôi từng cảnh báo.
Nguy hiểm ở chỗ, khoản nợ hơn 1.000 tỉ này thì trên 85% đều vay ngân hàng và lúc đó sẽ trở thành nợ xấu, nó không chỉ ảnh hưởng duy nhất dự án này mà sẽ tác động xấu đến cả nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy hiện nay do tỉnh Tiền Giang đề nghị và được Bộ GTVT chấp thuận đặt trên phạm vi của dự án, phương án tài chính của nhà đầu tư.
Bức xúc vì trạm thu phí đặt "nhầm chỗ" nhiều lái xe nghĩ ra cách đối phó bằng cách đổi cả vài chục cân mệnh giá thấp để trả phí qua trạm khiến trạm thu phí Cai Lậy "thất thủ" nhiều ngày qua. |
“Phương án tài chính đổ bể thì tự nhiên thành nợ xấu ngân hàng, thì chắc chắn tất cả sẽ phải ra pháp lý, liên quan đến vấn đề kiện tụng. Và chúng ta phải nói rằng dự án đối tác công tư này không thể nói ai được tất cả, nó là Win – Win, hài hòa lợi ích. Nhà nước được tiền để cải tạo hạ tầng, trong lúc đó nhà đầu tư phải có kỳ vọng lợi nhuận, còn người dân được đường tốt hơn”, ông Nguyễn Ngọc Đông nói.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sẽ không có kịch bản này, bởi phía sau dự án BOT là những con số chưa rõ ràng và không có nhà đầu tư nào “vạch áo cho người xem lưng”, công khai những con số thực về dự án BOT của mình.
“Việc thực hiện trả lại như vậy nếu đúng luật thì nhà nước sẽ vào cuộc kiểm toán toàn bộ chi phí thực tế, toàn bộ mức và điều kiện thanh quyết toán thực tế và chúng tôi tin chắc chắn mức cuối cùng sẽ không đúng như hiện nay đặt ra do chủ đầu tư khai báo cũng như chưa được thẩm định kỹ, như vậy chủ đầu tư sẽ bị thiệt nhiều hơn nếu làm đúng”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế phân tích.
Phân tích của các cơ quan quản lý liên quan đến các dự án BOT giao thông đều cho rằng, các bất cập, nghịch lý đang tồn tại hiện nay là do chúng ta chưa có một hành lang pháp lý rạch ròi cho BOT.
Hiện nay, do chưa minh bạch nên các dự án BOT vẫn được xem như là “hộp kín”, chưa có những con số thực chất về tổng đầu tư dự án cũng như các phê duyệt cụ thể của các dự án này. Đây là điều mà người dân rất cần các cơ quan chức năng phải làm rõ, bởi công khai, minh bạch và có luật riêng thì sẽ nâng sự chính danh của từng dự án cụ thể, chứ không phải chung chung, mù mờ như hiện nay. Mặt khác, tránh được rủi ro về cho nền kinh tế./.
Theo VOV